Bài: KTS Trần Bình; Ảnh: Naoto Ohike
Nhà được đăng trên tạp chí Nội Thất Xuân Ất Dậu - 01/2005
Tôi ở quê lên Sài Gòn ăn học rồi lập nghiệp. Tôi làm nghề kiến trúc, vẽ nhà cho bao nhiêu người, những căn nhà mặt phố bề thế toàn bê tông cốt thép. Lắm khi tâm huyết với một thiết kế nào đó mang tính thiên nhiên một chút nhưng khi thuyết phục chủ nhà mới biết thật khó khăn. Thế là nhủ lòng đợi đến khi mình có nhà. Gom góp tiền sau mấy năm làm nghề, tôi cũng chỉ tậu được một căn nhà gác gỗ be bé mười mấy mét vuông trong một con hẻm không đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Ước mơ xây dựng theo ý mình thế là còn lâu mới thực hiện được.Có những dự định trang trí nào, tôi đều đem vào căn gác nhỏ của mình, lâu lâu lại thay đổi chủ đề. Mê nhạc Trịnh, nên trong trang trí nhà của tôi cũng muốn mang vào nhà hình ảnh của "bốn mùa thay lá" để biết ngoài kia mùa đang đổi và thời gian đang đi qua tuổi mình.
Mùa xuân này tôi ở lại ăn Tết phố. Nhưng biết trước là sẽ nhớ quê quay quắt. Bạn bè nhiều người cũng ở quê lên phố và cũng nhiều người sẽ không có điều kiện về quê đón Tết. Vì thế, tôi chuẩn bị trang trí nhà mình như một góc quê, để bạn đến nhà tìm được một chút ấm áp nào đó giữa phố xá thênh thang. Hỏi rằng đâu là điểm gợi nhớ quê nhà nhất trong lần trang trí này, có lẽ với tôi là chiếc chổi rơm. Chiếc chổi rơm thật gần gũi và thân quen với mỗi gia đình. Tôi đã dùng nó thay cho chiếc gù trang trí màn cửa. Nó gợi trong tôi hình ảnh của mẹ, của bà và sự cần mẫn của những người phụ nữ miền quê. Tôi cũng đem vào nhà mình những thứ vật liệu thiên nhiên dân dã nhất mà tôi gặp đâu đó trên đường. Và hoa. Mỗi đóa hoa tự thân đã là một sắc xuân tươi.
Tết này tôi và bạn bè không về quê. Nhưng bù lại chúng tôi đã có một "quê nhà" ở phố xuân này.