Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Phố, làng & chợ

Bài: TKS. Khúc Thế Tâm

hinh cho ngheKhông biết tự bao giờ cái tên làng, phố xuất hiện? Có thể từ khi con người cần đến một không gian lớn hơn không gian sinh hoạt cá nhân là ngôi nhà và để thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng. Cũng ngay từ khi con người biết giao lưu, trao đổi hàng hóa thì chơ đã ra đời. Sự hình thành và phát triển của nền kinh tế chính trị luôn kéo theo sự vận động biến đổi của những hình thái quần cư nói trên để rồi tạo ra sự phong phú về kiến trúc làm đậm đà thêm dấu ấn văn hóa.

Từ thời này quà thời khác, vùng này tời vùng kia, mỗi nơi đều có những diện mạo của đời sống phản ánh trên những hình thức kiến trúc. Trong những hình ảnh thường gặp hằng ngày, phải chăng đã phản ánh phần nào mối lien hệ ảnh hưởng lẫn nhau, sự chuyển dịch qua lại về văn hóa và kiến trúc. Hình ảnh của làng luôn gần gũi từ những con đường, hàng cây, bờ ao, giếng nước mộc mạc và giản dị, mái đình ngói cổ rêu phong, những nếp nhà nhỏ nép sau những vòm cây xanh mát, khói tỏa chiều hôm,…

Trong khi ấy, ở chốn kẻ chơ luôn tấp nập người – xe, những ánh đèn lấp lánh như sao sáng trong đêm, những ngôi nhà cao ngất trời mây và mọi vật đều hào nhoáng rạng rỡ như vàng ngọc, trong tiếng nhạc rộn rang,… hai hình ảnh trái ngược mà lại có mối liên hệ ấy có cội nguồn từ một nền văn hóa dân gian đã trãi qua những tiến bộ rất khác nhau.

Làng có từ xa xưa mà chưa ai định hình, khẳng định được thời gian sinh ra nó, có những ghi chép của cha ông về làng quê hoặc truyền miệng những câu chuyện cổ tích cho hậu thế. Người xưa không đi tìm lối giải thích vì sao lại có làng và đặt tên làng cho một đơn vị quần cư, tổ chức đơn giản trong xả hội phong kiến. Ngay khi có làng thì chúng ta có chợ, chắc chắn là mối liên hệ giữa các làng với nhau là cần thiết nên chợ đã được sinh để phục vụ cho điều đó. Như vậy, có làng là có chợ, còn phố thì có muộn hơn.

Khái niệm về phố có từ khi người Pháp xây dựng bộ máy cai trị và đồng thời là một hạ tầng cơ sở đủ phục vụ cho bộ máy cai trị đó.
 
Phố: là một không gian tiện nghi phát triển nhờ những tiến bộ của sự phát triển đô thị : Phố có đường rải nhựa, có đèn chiếu sáng trong đêm, hệ thống thoát nước; hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thông tin, các công trình công cộng đủ loại…Sự chuyển đổi không gian từ làng đến phố tạo nên những nếp sống văn hóa mới.

Chợ: một không gian có hàng ngang, lối dọc, người người qua lại trao đổi tấp nập. Một nơi tập trung lý tưởng của những nhu cầu rất khác nhau của vô số cá thể trong một cộng đồng. Nơi mà người ta có thề mưu sinh, trờ thành một giá trị tồn tại dai dẳng trong phong tục tập quán “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận điền”. Đối với làng quê, chợ là nơi sinh hoạt điển hình nhất cùa mọi người với vô số hình thức tổ chức khác nhau tùy theo địa điểm và số lượng cá nhân tham gia hoạt động (họp chợ ngày, chợ phiên, chợ xã, chợ huyện,…). Hình thức chợ phát triển cao hơn là phường, bè “buôn có bạn, bán có phường”.

Hà Nội đã có 36 phố phường cũng bắt đầu từ sự lớn mạnh của các phường bè mà thành. Sự sấm uất của chợ trong làng hay các siêu thị khổng lồ tại các thành phố là biểu hiện chính xác nhất của đời sống kinh tế và một phần của đời sống văn hóa, một phần có thể là nhỏ hoặc không nhỏ nếu nhìn thấy nó trong cuộc sống. Một điều mà ai cũng biết là cái gì ta nhìn thấy ở chợ thì về nhà ta cũng có thể chấp nhận được và ngược lại: sự lộn xộn quen mặt cụng trở nên bình thường. Thậm chì để lâu, sự lộn xộn cũng trở thành bản sắc, không có lộn xộn thì thấy còn thiếu cái gì đó. Những thói quen đã dần được hình thành từ đời sống chợ và ngấm dần vào suy nghĩ của chúng ta khiến cho bất cứ ai cũng có thói quen cửa miệng là sự mặc cả. Để rồi, sự mặc cả dưới mức tối thiểu đã khiến nhiều khái niềm lớn dần lên: đẩy giá gốc, hàng giả, hàng nhái,…và đằng sau nó là sự bất quy tắc chung.

Để xây một ngôi nhà thì chủ nhà cần đến trước tiên là hình thức, mẫu mã. Thứ đến là vật liệu xây dựng có đáp ứng được mong muốn của hình thức hay không. Tiếp theo là các tốp thợ thực hiện lắp dựng ngôi nhà đó có đảm bảo hay không. Với ba yếu tố đó thì giá cả luôn là bài toàn đau đầu nhất, và đương nhiên phải là càng thấp càng tốt. Từ xưa, các cụ đã xây nhà, dựng đình chùa miếu, đâu có cần đến kiến trúc sư, ngày nay có thể cũng vậy thôi. Thợ xây nhà cho người bạn mình thì cũng xây nhà cho mình được, chỉ cần mua hổ sơ bản vẽ xin phép xây dựng là xong. Hoặc nếu có thuê kiến trúc sư thì chủ nhân cũng cần mắc cả thêm vài chi tiết: anh thích cái ban công của cái nhà này, anh thích cái cửa gỗ, con sơn nhà kia,…Mối liên hệ giữa công trình (CT) với kiến trúc sư (KTS) và chủ đầu tư (CĐT) luôn phải thông qua một mắc xích quan trọng đó là văn hóa thẩm mỹ (VHTM) . Trong sự hình thành từ công trình đến văn hóa thẩm mỹ của mỗi con người là một hỗn hợp đầy dẫy các thành phần kiến trúc khác nhau, những hình ảnh chồng chất lên nhau.

Từ khái niệm chia lô cho một khu ở, nhựng ngôi nhà đặt trên sự tối thiểu diện tích đất có được trong khi đấ thừa còn vô số, Đến sự chen chúc cùa hàng chục người trong một không gian hai chục mét vuông. Những con đường chật chội, không có vỉa hè cho người đi bộ, nhưng hai bên bày bán cơ man hàng hóa, cửa hiệu và hàng ăn. Những công trình xây dựng từ thời cổ mà ai cũng khen đẹp, đáng để học tập, không còn gì nữa mà bàn… Chúng ta đang chợ hóa nhà ở : có thể sử dụng ngay tầng 1 để kinh doanh buôn bán hay cho thuê. Bất cứ ai mua nhà cũng xem xét đến khả năng buôn bán một cách gián tiếp hay trực tiếp và đó là một tiêu chí định giá cho ngôi nhà. Hầu hết mọi hoạt động và định hướng của chúng ta đều nhằm một mục đích là: có khách, có lời. Trong tất cả các thể loại sinh hoạt: phục vụ sản xuất, phục vụ sinh hoạt cá nhân, cộng đồng đều hướng về hoạt động kinh doanh, theo cung cầu của thị trường.

Chỉ với 3 khái niệm gốc: Làng, Phố, Chợ, kết hợp với nhau tạo nên tính đa dạng trong sự phát triển văn hóa kiến trúc. Làng trong phố, phố trong làng, làng trong chợ…và cả phố làng chợ. Không có ranh giới rõ rang, không phân biệt khái niệm, chúng ta đang làm mờ dần những khoảng cách phát triển và chậm phát triển.

Người Nhật, Trung Hoa mang đến sự ảnh hưởng ít nhiều về văn hóa chợ, người Pháp mang đến ảnh hưởng của văn hóa phố, chúng ta có văn minh lúa nước. Sự phát triển tổng hợp đã cho chúng ta văn hóa ba trong một, trong thời điểm hiện nay thật khó để phát hiện chúng ta đang phát triển đô thị theo hướng nào. Ta đang phố hóa làng mạc nhưng cũng chưa thoát làng mạc hóa phố. Mặc dù các nhà quản lý, các nhà quy hoạch vẫn đang cố gắng đẩy mạnh hơn sự văn minh của đô thị hóa, sự tồn tại của nông thôn có bản sắc, nhưng thực tiễn cuộc sống dân dã vẫn diễn ra sự chấp chới giữa đô thị và kẻ chợ.