GS.TS.Ngô Đức Thịnh
Theo tạp chí Kiến Trúc Việt Nam tháng 12/2006-01/2007
Trong xu hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, nhiều người quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản truyền thống, tuy nhiên các di sản kiến trúc dân gian còn ít được quan tâm. Vậy kiến trúc dân gian bao gồm những gì và làm thế nào để bảo tồn các di sản kiến trúc ấy?
1. Dân gian hay không dân gian?
Nói đến kiến trúc thì chắc mọi người dễ thống nhất,tuy nhiên cái gì được coi là kiến trúc dân gian thì chưa dễ dàng đồng tình với nhau. Mấy năm trước đây, một nhà nghiên cứu mỹ thuật có chất vấn tôi rằng tại sao lại có thể xếp ngôi đình làng vào loại kiến trúc dân gian, bởi vì thao ông, làm ra ngôi đình ấy là một kíp thợ chuyên, có tên tuổi hẳn hoi.
Như vậy ngôi đình là sản phẩm có “tác giả”, còn như câu ca dao không có tác giả mới thực sự là dân gian? Vậy liệu lấy tiêu chí nào để phân biệt kiến trúc dân gian và không dân gian?
Theo tôi, giữa dân gian và chuyên nghiệp không phải lúc nào cũng có ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên, không phải như thế có nghĩa là không thể vạch ra được sự khác biệt, dù là tương đối giữa chúng. Sự khác biệt đó chủ yếu biểu hiện qua mấy yếu tố sau: hiện tượng văn hóa ấy do ai sáng tạo ra, sáng tạo cho ai sử dụng, việc sáng tạo và sử dụng đó theo tâm thức nào? Bằng vào những tiêu chí như vậy, ta có thể coi các đối tượng sau thuộc kiến trúc dân gian:
a - Các kiến trúc sinh hoạtcủa con người, như nhà ờ, nhà để sản xuất, chăn nuôi, cất giữ đồ vật, lương thực thực phẩm…, trong đó nhà ở là quan trọng nhất.
b - Các công trình gắn với chức năng tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng (gia tộc, làng xã…), tiêu biểu là đình, đền , chùa, nhà thờ, điện, am, miếu… Thí dụ, đình làng thường là do một kíp thợ của làng đó hay của làng khác đến xây dựng, họ xây dựng theo khuôn mẫu dân gian với tư cách là ngôi nhà cộng đồng. Thế thì tại sao lại nghi ngờ về tính “dân gian” của nó?
2. Bảo tồn kiến trúc dân gian như thế nào?
Nói đến kiến trúc dân gian thì người ta đều nghĩ ngay đó là hiện tượng văn hóa vật chất hay còn gọi là văn hóa hữu hình; nó có hình dạng, được tạo dựng bằng các loại vật liệu như: đá, gạch, tre, gỗ, xi măng; nó tồn tại khách quan ngoài bản thân con người và như vậy, nó mang những đặc trưng khác với văn hóa tinh thần, văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, ngôi nhà ở dân gian hay các công trình tôn giáo tín ngưỡng dân gian, không chỉ có phần “xác” tức vật chất, mà còn có cả phần “hồn” nữa. Chẳng hạn ngôi nhà sẽ không thể là nhà để ở nếu như nó không đáp ứng những nhu cầu về vật chất, tính cảm, tâm linh của con người nữa. Mấy năm gần đây, khi làm các ngôi nhà di dân tái định cư cho đồng bào H’mông, người ta không làm cây cột giữa nhà, mà làm kiểu cột “trốn” giống như người Kinh, bà con người H’mông không tới ở, vì cây cột đó giữ vai trò quan trọng, đó là cây cột chủ, cây cột ma nhà!
Với các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thì mặt phi vật thể lại càng quan trọng hơn, vì nếu không có các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích về các vị thần linh được thờ trong ngôi đền, đình, miếu đó, thì nó chỉ là cái xác không hồn, chẳng ai đến đó mà thờ cúng. Cũng như một bức tượng làm xong mà chưa làm lễ “hô thần nhập tượng” thì chẳng qua chỉ là cục đá, khúc gỗ vứt cạnh đường mà thôi!
Điều đó cho thấy, bảo tồn kiến trúc dân gian, không chỉ là bảo tồn cái vỏ vật thể của nó, mà quan trọng không kém, là bảo tồn cái mặt linh hồn của nó. Điều đó cho thấy, trong thực tế, một ngôi đình, đền, chùa, thậm chí cả cây cối trồng quanh đó thường ít bị người đời xâm phạm, phá họai, bởi vì cái “thiêng” bao phủ lên nó. Nhưng một khi “mất thiêng” thì chẳng mấy chốc người ta sẽ đến tàn phá. Có lần tôi đến thăm đền thờ Tản Viên thần ở Sơn Tây, tôi trầm trồ khen rừng lim bao quanh ngôi đền vẫn xanh tốt, um tùm, thì người dân ở đó kể lể bao câu chuyện về những kẻ tới chặt cây, tỉa cành lim đã bị thần linh trừng phạt như thế nào!
Một nhân tố quan trọng nữa là các công trình kiến trúc dân gian đều thuộc về một cộng đồng làng xã nào đó quản lý. Do vậy, các công trình thờ cúng đó quanh năm được người dân trông nom, hương khói, ít bị phá hoại, xâm phạm; còn những công trình do Nhà nước quản lý thì thường “lạnh lẽo”, “hương lạnh khói tàn” và dễ bị phá hoại. Chẳng thế mà các vua quan ngày xưa khi quy tiên, thường “dối” lại cho con cháu mang hài cốt về quê “yên nghỉ” để dân làng đời đời hương khói, còn nếu nằm lại ở “cung đình” thì có ngày thành “ma đói”!
Rất mừng là công trình tôn giáo tín ngưỡng một thời bị phá bỏ để làm nhà ủy ban, thành nhà trẻ, thậm chí làm kho thóc, kho phân, thì nay đã được phục hồi, thậm chí xây lại. Tuy nhiên, trong xu thế phục hồi đó lại xuất hiện nguy cơ bị “phá hoại”. Đó là do một thời gian lâu bị “giải thiêng”, nay phục hồi lại một cách vô nguyên tắc, làm sai lạc quy cách kiến trúc, thờ phụng, nhiều ngôi đình, đền, chùa được trùng tu, nhiều bức tượng, đồ thờ có giá trị bị sơn trát lại một cách phản mỹ thuật. Do vậy, các cơ quan quản lý di tích các cấp cần theo dõi và quản lý các công trình kiến trúc dân gian này, hạn chế việc vi phạm đáng tiếc xảy ra.
Quy hoạch, kiến trúc nhà ở dân gian ở nông thôn cũng đang bị “cày xới” và đứng trước nguy cơ làm mất đi các giá trị truyền thống quý báu. Bây giờ thật khó khăn khi tìm lại được các dong, ngõ của ngôi làng xưa, những chiếc cổng làng, cổng nhà cổ kính, những mái nhà tranh, ngôi nhà “mái ngói xô nghiêng” của ngôi nhà xứ Bắc, các kiểu nhà rội, nhà rường của miền Trung, các ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà rông cộng đồng của các dân tộc miền núi… Lúc ấy mới giật mình nhận ra rằng, chúng ta đã để mất nhiều thứ quý giá, còn được thì quá ít ỏi, thậm chí trong đó phần nhiều là những cái gì phi kiến trúc, phi thẩm mỹ, xô bồ, rác rưởi! Ở nông thôn, diện tích dư thừa, không gian thoáng mát, cây cỏ xanh tươi quanh năm, thế thì cớ gì mà làm một ngôi nhà 3, 4 tầng với khung kính bưng bít bốn phía, với những chóp nhọn kệch cỡm, trưởng giả.
Đã đến lúc, các nhà văn hóa, các nhà kiến trúc phải lên tiếng và tham gia cùng các nhà quản lý vào quy hoạch kiến trúc nông thôn. Chúng ta không chủ trương giữ lại nguyên gốc nhà tranh, vách đất, mà phải hiện đại hóa ngôi nhà ở nông thôn, nghiên cứu kỹ để giữ lại nét kiên trúc truyền thống trong ngôi nhà hiện đại ngày nay, giữ lại cách sử dụng không gian trong và ngoài ngôi nhà phù hợp với tâm lý, tính cách, phong tục đẹp của con người Việt Nam. Các nước láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã quy hoạch kiến trúc nông thôn theo hướng vừa truyền thống, vừa hiện đại thế thì vì cớ gì chúng ta không làm được?
Cuối cùng vẫn là nhận thức và sự hiểu biết của con người về những gì là di sản kiến trúc của ông cha đã tạo ra qua nhiều thế kỷ; nhận thức và hiểu biết về kiến trúc hiện đại đang qua biết bao khúc xạ đến với chúng ta để ta lựa chọn cái gì là thích hợp. Thật là thảm họa một khi chúng ta quay lưng lại với di sản kiến trúc của cha ông, cho đó là cái lạc hậu, chỉ thấy cái của người khác là cao hơn, hay hơn, mà thực ra phần nhiều những thứ đó đến chúng ta là pha tạp, hổ lốn. Một lần cách đây mấy năm, ở một huyện miền núi Trung Bộ, tôi giật mình nghe ông phó chủ tịch huyện báo cáo chủ trương xóa nhà tranh, nhà sàn vì đó là nghèo đói lạc hậu!
Một lần nữa phải bắt đầu bằng cách giúp người nông dân ở nông thôn nhận thức về di sản kiến trúc quý báu, thể hiện qua ngôi nhà ở bình dị, các ngôi chùa, đình, đền độc đáo bằng cách các nhà kiến trúc, văn hóa nghiên cứu đưa ra các mẫu hình kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc nhà ở, để người nông dân có thể lựa chọn cho mình một mô hình kiến trúc thích hợp. Để có một kiến trúc nông thôn vừa truyền thống vừa hiện đại, không thể thiếu các nhà quản lý xây dựng ở nông thôn, bằng cách quy định vừa mềm dẻo, vừa chặt chẽ để hướng quy họach xây dựng nhà ở nông thôn theo một nề nếp, chứ không tùy tiện mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Tóm lại, chỉ có thể kết hợp bốn nhà: nhà kiến trúc, nhà quy hoạch xây dựng, nhà nghiên cứu văn hóa và nhà nước đại diện ở đại phương thì hy vọng tương lai chúng ta có được một kiến trúc nông thôn xứng với cái gì mà tổ tiên ta đã làm được và để lại cho tới ngày nay.