Bài: Đoàn Khoa - 12/2007
“...Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung...”
...Tôi bị mê hoặc bởi câu chuyện tình diễm lệ ấy, nó cứ ám ảnh tôi mãi và tạo trong tôi một khát khao rằng hễ có dịp, sẽ tái hiện mối tình này trong những chương trình hoặc kịch mục của mình.
...Nhằm tạo thêm cho các em học viên lớp lồng tiếng kỹ năng thuyết phục thính giả, tôi cho tất cả cùng kể lại chuyện tình quen thuộc trên theo cách thức riêng của từng người.
Đa số trung thành với bản gốc mà các em đọc được trong sách hoặc nghe kể lại. Số ít “phăng” thêm với những tình tiết éo le, sướt mướt. Có em tạo tình huống phức tạp hơn khi “mắm muối” vào đôi ba nhân vật phụ. Vài người nhấn mạnh tính giai cấp cho câu chuyện tăng phần bi thảm... Nói chung, các em cố gắng trầm trọng hóa căn bệnh tương tư của nàng Mỵ Nương cùng sự bất hạnh của chàng Trương Chi tài hoa nhưng xấu xí...
Nghe các em kể, trong tôi bỗng lóe lên những tia sáng khác, tôi cũng làm bài tập như các em và bắt đầu lý giải câu chuyện này theo một hướng của riêng tôi.
Tôi chợt thú vị khi khám phá ra rằng đây không phải là chuyện tình thuần túy, mà là một truyện ngụ ngôn đầy chất tượng trưng.
Hãy nói về nàng Mỵ Nương trước, cô là trượng trưng cho nhóm người mà ta quen gọi là KHÁN GIẢ, cô xúc động bởi những TÁC PHẨM do anh Trương Chi tạo nên, thế nhưng bi kịch ở chỗ NGHỆ SĨ và TÁC PHẨM của họ đôi khi không giống nhau, vì thế vẻ xấu xí bên ngoài của Trương Chi chính là sự tượng trưng cho đời sống thật của người NGHỆ SĨ.
Với tài năng, NGHỆ SĨ có thể làm người ta cười, người ta khóc, tâm hồn người ta xáo động. Anh tự hào và kiêu hãnh về khả năng đó, chính thế, anh cảm thấy mình cần được đền đáp một cách xứng đáng tâm huyết mà mình đã bỏ ra, và TÌNH YÊU trong câu chuyện cổ tích trên là biểu tượng cụ thể mà người NGHỆ SĨ muốn được nhận lại từ người ái mộ.
KHÁN GIẢ đa cảm thường hay lẫn lộn tác phẩm và con người, còn NGHỆ SĨ thì lại ngộ nhận chính mình và tác phẩm.
Sự ngộ nhận này là một điệp khúc khiến người nghệ sĩ khổ đau triền miên từ bao đời nay cho mãi tận bây giờ:
“...Ta hay như vậy, ta tài như vậy... sao không yêu ta ?”
Ngay cả nhạc sĩ đa tình Phạm Duy trong ca khúc “Cây đàn bỏ quên” cũng hoang mang:
“Người ơi, tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn...?”
Mỵ Nương yêu tiếng hát chứ không yêu con người Trương Chi. Sự thật này làm người nghệ sĩ tổn thương, đau đớn.
Y hệt như Trương Chi, nhân vật Hề Già trong vở kịch “Tiếng hát thiên nga” của Anton Tchékhov cũng mang mối hận lòng như vậy. Khi còn là diễn viên trẻ, anh được biết bao khán giả ngưỡng mộ, say đắm, nhưng lúc ngỏ lời với một trong số họ, thì bất hạnh thay, anh bị từ chối.
“Họ có thể yêu một diễn viên, nhưng làm vợ hắn thì không đời nào !...”
Không chết tức tưởi như Trương Chi, nhưng xem ra, nỗi đau của Hề Già không kém gì mấy.
Người xưa đã sâu sắc biết bao khi ví mối hận tình này như một khối kim cương chĩu nặng và thuần khiết.
Thế nhưng chén ngọc vững bền kia, chỉ cần giọt lệ Mỵ Nương rơi xuống thôi, lập tức tan chảy ngay thành nước, điều đó có nghĩa là linh hồn chàng Trương đã được siêu thoát.
Trở lại với anh Hề Già của Tchékhov, sau thất bại tình duyên, anh mất niềm tin vào nghệ thuật, vào sân khấu, khán giả :
“...Khán giả vỗ tay ca ngợi tôi, họ bỏ tiền ra mua ảnh tôi, nhưng với họ, tôi vẫn là kẻ một xa lạ... Và rồi... khán giả ra về, khán giả sẽ quên mất thằng hề của họ...”
Từ đó, anh bẹo hình bẹo dạng, nói năng trơ trẽn, hủy hoại đời mình một cách không thương tiếc... Cho đến một đêm, trên sân khấu vắng, chỉ còn lại anh và gã nhắc tuồng vô cảm ngủ trong góc tối cánh gà. Anh ôn lại những gì đã qua, và với sự bùng nổ vì quá ức chế, anh diễn lại những vai tuồng đã từng thành công trên sân khấu. Bằng tất cả tài năng tiềm ẩn, anh chinh phục được gã nhắc tuồng như đá vô tri kia, khiến gã phải bật lên tiếng khóc nức nở rồi quỳ sụp dưới chân anh vì quá ngưỡng mộ.
Như Trương Chi, Hề Già lúc ấy mới thấm hiểu rằng sự cảm nhận và xúc động của khán giả mới thực sự làm người nghệ sỹ trở nên vĩ đại. Nghệ sỹ đã gửi đi mùi của đoá hồng và anh ta xứng đáng nhận lại được bóng của ánh trăng.
Thì ra món quà tuyệt vời nhất dành tặng lại cho nghệ sỹ chính là giọt nước mắt của khán giả...
Cũng với đề tài giọt nước mắt người nghe, tôi bỗng nhớ đến “Chim Họa Mi” của H.C. Andersen, người viết truyện cổ tích kiệt xuất dành cho thiếu nhi.
Chuyện kể rằng có một con chim Hoạ Mi bé nhỏ mà tiếng hót của nó đủ làm người nghe quên hết mệt nhọc, ưu phiền. Chim được hoàng đế vời hẳn về kinh, nhưng sự xa hoa và tù túng của cung điện không hợp với chim, thế là nó bay trở lại khu rừng hoang dã, nơi nó được sinh ra.
Rồi một đêm mưa, hoàng đế bệnh nặng, Thần Chết hiện lên tóm bắt linh hồn nhà vua hấp hối. May mắn làm sao, Họa Mi đến kịp, nó hót đến tận bình mình. Tiếng chim hay đến nỗi ngay cả Thần Chết cũng phải siêu lòng trả lại linh hồn nhà vua.
Quá cảm động trước ơn cứu mạng, vua sẵn sàng ban thưởng cho Họa Mi bất cứ thứ gì quý nhất trên đời, nhưng chim từ chối:
“Nhà vua đã hậu thưởng cho chim rồi, đó là những hạt lệ rơi xuống khi lần đầu tiên chim hát cho người nghe và không bào giờ chim quên được cảnh tượng ấy. Đối với người ca sĩ, những giọt nước mắt ấy quý hơn cả châu báu...”
...
Đấy là những chuyện xa xưa, có vua, có chúa, nhưng quanh ta vẫn còn biết bao câu chuyện đời thường...
Có người bán nhang dạo thỉnh thoảng đi ngang qua xóm.
Tiếng sáo của anh dẫn trước thân hình gầy còm bạc thếch.
Tiếng sáo mềm và mong manh, nó len lỏi tận hang cùng ngõ hẻm, nó làm ta nao lòng cả trong những buổi trưa hè...
“Thuyền ai lờ lững trôi theo dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”(*)
Nhang của anh bán đắt hơn ngoài chợ, anh không bớt.
Có ai đó không mua, nhưng tội nghiệp dúi vào anh vài trăm lẻ, anh dứt khoát từ chối - anh không đi xin - anh kiêu hãnh cùng tiếng sáo của mình.
Khuôn mặt bị vành nón rộng che gần hết và cái đầu luôn cúi gằm xuống thân cây sáo. Biết đâu anh là một Trương Chi mới và chúng tôi, dân cư trong xóm nhỏ nghèo là những Mỵ Nương cứ mong chờ tiếng lòng khắc khoải đi qua:
“...Ôi duyên kia, ai đã trả cho ai
Cho mắt rơi lệ rồi
Cho chén tan thành lời
Để thành bài hát ru hồn tôi...” (**)
(*)bài “Con thuyền không bến” của n.s Đặng Thế Phong
(**)bài “Khối tình TrươngChi” của n.s Phạm Duy