Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Đường mang cổ tích

Bài: Lý Lan

Sài Gòn-Chợ Lớn không phải là đất hoài cổ. Những người đao đáo tìm cổ  tích và giữ gìn di tích văn hóa của miền đất này đã là người thiên cổ. Còn ai bận tâm những lăng, mộ, chùa, đình, miếu, tự…ngày xưa giờ ra sao?

Ngày ngày, đứng trước ban công nhà mình, tôi ngắm đường Nguyễn Tri Phương chạy ngang. Một đầu của nó nối với đường Thành Thái mới mở để ra khu Bảy Hiền rồi thẳng  tới sân bay Tân Sơn Nhất; đầu kia qua cầu mới xây chay thẳng tới đại lộ Nguyễn Văn Linh đến Phú Mỹ Hưng, tiện đường ra KCX Tân Thuận, cảng Sài Gòn, hoặc theo hướng Nam Sài Gòn vào Quốc lộ 1Avề miền Tây. Như một dòng sông miệt mài chảy, 24 giờ của bất kỳ ngày nào trong năm,không có phút nào đường vắng xe chạy, thậm chí nữa đêm về sáng vẫn rần rần như ban trưa. Bạn bè đến chơi nhà, ngồi nghe âm nhạc dưới đường vọng lên, đều nói tôi có bộ thần kinh thép mới sống và làm việc được trong môi trường  như vậy.

Chẳng những sống, làm việc mà còn giải trí, thú tiếp bạn bè, dự tính những kế hoạch, chăm chút cây cỏ ngoài hành lang…Mấy mươi năm qua, nhà tôi là khoảng không gian lơ lững giữa Sài Gòn - Chợ Lớn này. Xem bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn 30-40 năm trước, thấy những trục giao thông chính đều theo hướng Đông – Tây như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hùng Vương, Trần Quốc Toản (nay là 3 tháng 2). Suy ra, hướng vận chuyển chính của con người và hàng hóa là từ miền Tây lên Chợ Lớn rồi ra Sài Gòn, hoặc từ miền Đông về Sài Gòn rồi vô Chợ Lớn. Đường ngang, như Nguyễn Tri Phương ngày xưa, không dài, bắt đầu từ hướng Nam là bờ kênh, bờ sông, nơi phố thị đông đúc, nhưng được năm bảy dãy phố; về hướng Bắc thì thưa thớt hẳn, vì ở đó không có những trọng điểm kinh tế, văn hóa. Sài Gòn – Chợ Lớn vốn là thành phố cảng, xa bờ sông,bờ kênh, là nhà quê. Bây giờ thành phố Hồ Chí Minh phình ra mọi hướng, nhất là vùng đô thị phía Nam, trong khi sân bay chính vẫn nằm ở phía Bắc, đường Nguyễn Tri Phương của tôi trở thành một trong những trục đường Bắc – Nam  nhộn nhịp nhất. Chiều chiều nhìn xe chạy dưới đường, ba tôi cứ thắc mắc: “Sao mà người, xe đông quá xá, hồi xưa đường đất, nhà lá, đâu có ai?”. Đó là ký ức của ba tôi  thuở ông mới đến đất này, khoảng 60 năm trước.

Hồi đầu thế kỷ 20 trở về trước, Sài Gòn  và Chợ Lớn là hai đô thị khác nhau, nằm dọc theo sông sài Gòn và kênh Tàu Hủ. Chính quyền thuộc địa Pháp hợp nhất hai đô thị này và vùng phụ cận thành một vào tháng 4-1931. Hồi đó chổ tôi đang ở là vùng phụ cận của Chợ Lớn, còn hoang vắng với những bãi nghĩa địa của các bệnh viện Triều Châu, Quảng Đông, có xóm trồng cải, có gò thả dê. Nhưng các biến cố lịch sử tựa như cây đũa phép đã biến đổi tất cả trong vòng nửa thế kỷ. Chợ An Đông được xây dựng lần đầu tiên vào thập niên 1950 với bốn dãy nhà phố xung quanh, nhanh chóng trở thành bất đọng sản nóng trước đợt di dân từ Bắc vào năm 1954. Lần lượt những chung cư cao cấp, trường học, nhà thờ, bệnh viện, rạp hát, cửa hàng … được xây dựng vào thập niên 1960-1970. khi Sài Gòn giải phóng, nơi đây đã là chốn ăn chơi nổi tiếng, được biết qua tên gọi khu La Cai.

Tìm trong cuốn Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển, không thấy nhắc tới khu La Cai và con đường Nguyễn Tri Phương này. Cuốn sách ấy những hai lần xưa: cụ viết năm 1960, mà năm xưa của cụ là 1919, khi lần đầu tiên được cha đưa lên Sài Gòn vô trường lớn “bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíếu Chợ Mới, xem hát thí chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho Thằng Lù, có 5 cắc thì leo chuồng gà ngồi coi hát Tây”. Từ đó cho tới khi “đầu bạc mà túi vẫn nhẹ”, cụ Vương đã nếm trải bao nhiêu kỳ thú của đất Sài Gòn – Chợ Lớn nên “ôm mớ tài liệu thu thập bấy lâu” viết thành sách để khỏi mang tiếng là người xấu bụng. Vậy mớ tài liệu quý giá của cụ cũng  không nói gì tới đường Nguyễn Tri Phương của tôi! Hẳn là vì cụ chỉ chú trọng ghi lại cổ tích Sài Gòn – Chợ Lớn, mà con đường này có vẻ còn mới lắm, đoạn phía quận 10 chỉ mới tráng nhựa sau khi cuốn sách của cụ ra đời; còn cầu Nguyễn Tri Phương thì được xây khi chúng ta bước sang thiên niên kỷ thứ ba.

Sài Gòn – Chợ Lớn không phải là đất hoài cổ. Người tứ phương đến đây để mong tìm một tương lai, con người đang ở đây là người của hiện tại. Những người đau đáu tìm cổ tích và giữ gìn di tích văn hóa của miền đất này, như Vương Hồng Sển, Sơn Nam…, đã là người thiên cổ. Còn ai bận tâm những lăng, mộ, chùa, đình, miếu, tự ngày xưa giờ ra sao, khi các công trình thi nhau mọc, đường sá cứ mở mang? Đúng 20 năm trước, tôi chứng kiến một ngôi mộ cổ bị phát hiện khi khu nhà phố đối diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được giải tỏa để xây dựng chung cư. Lúc đó là năm 1989, người ta chỉ biết cúng kiến khi dời mộ đi. Năm năm sau, 1994, khi xây chung cư Xóm Cải, ngôi mộ cổ bị phát hiện ờ đó được khảo cứu và xác minh là mộ  bà Nguyễn Thị Hiệu, cô của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, vợ vua Gia Long, mất từ năm 1806.

Rõ ràng chổ này cũng có cổ tích, chỉ có điều xưa nay không có ai viết, hoặc có viết mà đã thất lạc rồi. Nhớ ông Sơn Nam thuở sinh tiền, khi qua đây chơi có nói đất này ngày xưa thuộc huyện Tân Long. Tôi nghe rồi để đó. Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp từng phút, từng giây của cuộc sống hiện đại, tôi cũng như mọi người, ngóng nhìn tới trước chứ ít bận lòng về chuyện đã qua.

Con đường Nguyễn Tri Phương không một tích tắc nào ngừng chuyển động, kể cả khi xe cộ kẹt cứng, tưởng không ai nhúc nhích được, vẫn có những kẻ lanh lợi len lách, chen lấn để tiến tới. không biết vậy là hay hay dở. Nhưng đó là cuộc sống bây giờ.