Bài: Song Phạm; Ảnh: Ngô Đình Trúc
Văn phòng được đăng trên tạp chí Nội Thất số 71 - 01/10/2008
Văn phòng chứa đựng cả con người cùng lối kiến trúc hòa trộn giữa cái giàu với cái nghèo; cái cũ xưa với cái mới mẻ, đương đại; cái lượm lặt, bình thường, thậm chí tầm thường, rẻ tiền với cái đắt, quý, sang cả, mà chủ nhân của chúng đã nhặt nhạnh mang về từ những chuyến đi…
“Bình nhà quê” là nick-name mà bạn bè thân quen thường gọi anh. Bình không tự ái hay xấu hổ với biệt danh này, hay đúng ra mỗi khi nghe, anh còn cười rất đỗi tự hào. Bình không giấu giếm hay chối bỏ quá khứ, nguồn gốc như không ít người vẫn thế. Và quả vậy, chính gốc gác nhà quê, chơn chất, chân tình đã cho anh một tâm hồn rộng rãi, phong phú, nhạy cảm, tinh tế.
Bước vào văn phòng công ty kiến trúc Bình Trần, hầu hết khách rất ngạc nhiên khi không nhìn thấy những hình ảnh, bản vẽ, mô hình các công trình mẫu đã thực hiện, mà chỉ bắt gặp những đồ đạc thân quen, xưa cũ, từng nhìn thấy đâu đó trong quá khứ nay hầu như tuyệt chủng. Không thấy những quyển catalogue giới thiệu “nhà đẹp, góc xinh”, nhưng trên giá sách là quyển “1001 liệu pháp thiên nhiên”. Đó cũng chính là tinh thần của lối kiến trúc mà Bình đang hướng đến
Từ miếng vỉ sắt xưa thường dùng lót trên những cây cầu dã chiến, đến những chiếc thùng đạn gỉ sét, từ chiếc xe đẩy hủ tiếu đen bóng, lên nước, đến cánh cửa gỗ loang lỗ, từ những chiếc bù-loong, con tán được Bình “lên đời”, nâng cấp thành những vật đa dụng, hữu ích… Bởi đối với Bình, những đồ đạc, vật dụng càng cũ càng chất chứa trong nó thời gian, quá khứ, nhất là kỷ niệm. Bình đã tìm thấy, đọc ra, rung động, rồi đem lòng say mê trước vẻ đẹp của những điều, những vật tưởng như tầm thường, rẻ rúng nhất, trân trọng, nâng niu, bỗng chốc làm chúng giàu lên một cách lạ kỳ.
Và không chỉ những thứ nhà quê mộc mạc, dân dã. Đây đó trong suốt không gian vẫn thấp thoáng những vật dụng thuộc loại hàng hiệu, đắt tiền. Lạ một nỗi chúng không nổi cộm, cong vênh, không xô đẩy, thụi nhau, mà hòa trộn, bổ sung, tôn nhau lên.
Ghé văn phòng Bình vào giờ cơm, lại càng thấy không khí nhà quê đậm đặc với cơm trắng, canh rau, cá kho, bầu bí luộc… Không tìm thấy bóng dáng của đồ nhựa, bao ni-lông… Những bữa cơm “sạch, thân thiện với môi trường” nên không nhiều dầu mỡ hay bột ngọt. Những bữa cơm “làm nhớ nhà thấy tía” - những nhân viên công ty Bình Trần nói - và họ vỡ ra: “À, hóa ra nhà mình ở dưới quê cũng có khối đồ đẹp, quý”.
Nếu có “đại gia” đến ăn bữa cơm nhà quê ở Bình Trần, sẽ thấy mình vẫn còn “nghèo”, còn thiếu thốn nhiều thứ. Ngược lại, nếu một anh thợ hồ bất chợt ghé qua cũng không quá khép nép thấy mình chênh vênh, lẻ loi, khập khiễng.
Trời đất gặp gỡ, giao hòa nơi giếng trời, khiến ngồi trong văn phòng Bình có thể thấy mưa rơi qua kẽ lá, theo những dây trầu bà ước chừng chục mét buông xõa từ tầng thượng - cũng chính là mặt đất, là cả khu vườn rợp cây xanh - xuống tận tầng trệt làm tưng bừng, xôn xao đàn cá dưới hồ. Thiên nhiên, cây cảnh tưng bừng òa ra không gian, len vào các cửa sổ khiến thậm chí… đi toa-let cũng cảm thấy gần gụi, thân quen, thấy mình thực sự được hưởng thụ, được sống, được thở với thiên nhiên, với từng bụi cây, ngọn cỏ. nhân viên biết quan sát, cảm nhận và tinh tế hơn trong cách nghĩ, cách sống.
Bước vào văn phòng kiến trúc, nhưng khách sẽ không bắt gặp hình ảnh, bản vẽ những công trình này nọ đã thực hiện, chỉ thấy - một nhân viên công ty nói - và ngập tràn không khí nghệ thuật, của không gian công sở, hòa trộn cùng không gian sống, không gian dành cho cảm xúc lắng đọng, bùng vỡ.
Nhân văn
Không khí, không gian gần gụi, ấm áp đó, con người dễ chia sẻ buồn vui, tâm sự dễ cảm thông, thỉnh thoảng lại cảm thấy mình đủ đầy và cần chia sẻ với ai đó bất hạnh hơn mình, tụ tập tổ chức nhiều sự kiện thiện nguyện. Nhiều người còn thấy mình lớn lên, “già” đi, biết quý trọng bản thân và yêu người khác. Khó với mình và dễ dãi, rộng mở với mọi người.
Những ai đã từng chối bỏ, khước từ, không chịu nhận mình nguồn cội, gốc gác nhà quê chắc chắn sẽ về đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ lại mình.
Bình đã tôn vinh nhà quê, nâng cái chân quê, cái hương đồng gió nội. Không gian sống của Bình Trần, của lối kiến trúc “made in Vietnam” đậm chất Trần Bình, không gian của yêu thương, của hoài niệm, Bình không chỉ xây nhà, mà đôi khi còn góp tay xây cả nếp nhà.