Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Như đã lãng quên

Bài: Thu Vân

Mới đây, một công ty của Pháp đã gởi thông báo đến các hộ dân đang sống trong các căn biệt thự cũ rằng: họ đang sống trong ngôi nhà xây cách đây hơn 50 năm, hiện đã hết hạn sử dụng, phải có kế hoạch trùng tu. Vậy đó, họ, những con người “tận đẩu đâu” vẫn có trách nhiệm với những “đứa con” của mình đến thế. Còn chúng ta thì sao? 

Biệt thự cũ Hà Nội hay là những phế tích giữa lòng thành phố


Nhiều người nói rằng họ yêu Hà Nội. Tôi cũng vậy, tôi yêu Hà Nội. Và tôi mang niền vui ấy theo mình như thể một thói quen, để so sánh Hà Nội với những nơi mà tôi có cơ may được đặt chân đến, để tự hào nói rằng Hà Nội của tôi thật đẹp và thật bình yên…

Nhớ có lần được sang Pháp, nhiều lúc đi dạo, lại cứ ngỡ như mình đang ở Hà Nội! Nhất là ngày đầu tiên được ở trong một biệt thự vùng ngoại ô, ngồi nhìn ra cửa mà nhớ nhà quay quắt. Nhà tôi xưa ở phố Cao Bá Quát. Ngôi nhà trước đó là của một ông giáo học trường Albert Saraut. Tuy vẻ  bề ngoài là kiến trúc thời Pháp thuộc nhưng bên trong lại là một thế giới tâm linh đậm đặc hồn Việt Nam.

Câu chuyện lịch sử


Tôi không phải là một kiến trúc sư để có thể diễn giải một cách đầy đủ về những chi tiết , đường nét, vóc dáng của trường phái kiến trúc thời kỳ thực dân hay tân cổ điển còn hiện hữu trên những ngôi nhà trong những khu phố cũ ở Hà Nội. Nhưng tôi có đọc được một số tài liệu nói về chuyện thực dân Pháp đã có lúc muốn biến Hà Nội thành “thủ đô của Liên bang Đông Dương”. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1884-1945, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng Hà Nội này theo một quy hoạch tổng thể để thực hiện mục tiêu này. Cả quá trình ấy có thể chia thành 3 giai đoạn lớn để hình thành nên những con phố với những ngôi nhà theo kiến trúc Châu Âu mà thời nay thường được gọi là Khu phố cũ. Đại để có thể chia thành 3 khu gồm:

  1. Khu nhượng địa: hình chữ nhật, hai cạnh dài là đường Bạch Đằng và phố Lê Thánh Tông – Trần Thánh Tông, hai cạnh ngang là đoạn đầu phố Tràng Tiền và phố Nguyễn Huy Tự . Đây là những công trình kiến trúc kiểu “chính thống” , mái lợp ngói đá đen, có hành lang chạy xung quanh, nhà uốn thành  hình vòng cung. Điển hình  có kiến trúc khu dinh thự của tham mưu trưởng quân đội Pháp (nay là nhà khách Bộ quốc phòng) hay bệnh viện De L’anessan (nay là viện quân y 108 và bệnh viện Hữu Nghị)…
  1. Khu thành cũ: gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú với đường phố rộng, vĩa hè cũng rộng và nhiều cây xanh. Các biệt thự theo kiến trúc miền Bắc nước Pháp với mái dốc, các chi tiết trang trí ở cửa, ở nóc diêm dúa, tỉ mỉ - như phủ Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ Tịch).
  1. Khu Nam Hồ Gươm: là một hình chữ nhật mà hai cạnh dài là Tràng Thi – Tràng Tiền và Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh với kiến trúc mái không dốc, nhiều cửa, ảnh hưởng của miền Nam nước Pháp như Nhà hát Lớn, Phủ Thống sứ (nay là Nhà khách Chính phủ 10 Ngô Quyền)…

Đến những năm 20, 30 của thế kỷ 20 thì xuất hiện các công trình kiến trúc theo xu hướng kết hợp phong cách Á Đông ở cả 3 khu trên như  Viện bảo tàng Finot (nay là Bảo tàng lịch sử) hay sở tài chính (mà nay là trụ sở Bộ ngoại giao)…

Việc du nhập kiến trúc Pháp vào Hà Nội đã làm thay đổi quy mô, đường nét nghệ thuật, kết cấu kỹ thuật, vật liệu xây dựng truyền thống. Từ những nguyên liệu chủ yếu bằng tre, nứa, lá, gỗ, gạch, ngói … Hà Nội thời kỳ này đã bắt đầu biết tới những bản vẽ thiết kế xây dựng, được làm quen với các loại vật liệu xây dựng mới như xi măng, cốt thép … Mặc dù vậy, các công trình kiến trúc Pháp lại được thiết kế rất phù hợp với khí hậu cũng như điều kiện sống của người Hà Nội và hoàn toàn mang một dáng dấp riêng biệt.

Để thực hiện được kế hoạch biến Hà Nội thành “thủ đô của Liên bang Đông Dương”, người Pháp đã xây dựng cả một hệ thống văn bản luật và quy hoạch đô thị áp dụng cho riêng Hà Nội.

Trong đó có cả Nghị định quy định những điều khoản chung cho tất cả các công trình xây dựng trong Thành phố Hà Nội, kể cả khu người Âu lẫn khu bản xứ. Theo đó, tất cả những người xây nhà đều phải trình cho chính quyền bản vẽ mặt bằng và mặt cắt của công trình mình định xây, bao gồm mặt bằng tổng thể đất và nhà cửa xung quanh để đảm bảo sự hài hòa chung. Tất cả các công trình lớn, nhỏ, kể cả việc làm ống máng nước dọc mái nhà cũng phải được phép của chính quyền thành phố. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao khi đi trên những khu phố cũ, cảm giác đầu tiên của du khách thường là một cảm giác hiền hòa và chỉnh chu. Một điều mà các không gian kiến trúc hiện đại ở Hà Nội không bao giờ có được.

Những nốt nhạc trong bản hòa ca... ngày ấy


Có một điều thật thú vị mà chỉ riêng Hà Nội mới có được, sau rất nhiều những biến động lịch sử - đó chính là sự hiện diện của những ngôi biệt thự, những dinh thự tư gia mang đường nét kiến trúc châu Âu tồn tại ngay trong lòng nội đô. (Ngay tại các nước châu Âu, các biệt thự hầu hết đều nằm ở ngoại vi, vùng thôn quê). Một điều cũng thú vị không kém là hầu hết các công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu ở Hà Nội trong thời Pháp thuộc đều là tài sản tư nhân. Thế nhưng chúng lại được quy hoạch một cách chi tiết và tỉ mỉ để tạo thành những không gian kiến trúc hài hòa đến lạ lùng. Người không sống trong thời ấy khó có thể hiểu được bởi chúng giống một bản phối tổng thể hơn là những thực thể kiến trúc đã từng tồn tại.

Bố cục của các căn biệt thự, dinh thự tư gia này lại không mang tính dàn trải, không rải đều mà lại có những nhịp ngắt quãng. Hai cái block nhà này gần nhau nhưng cách quãng lại mới có một block nhà khác chứ không san sát như những ngôi “biệt thự phân lô” như bây giờ. Lại có những đoạn 2,3,4 nhà giống nhau xong lại ngắt hẳn ra, xong lại sang một đoạn khác lại 2,3 nhà giống nhau nhưng khác kiểu tạo thành một nhịp điệu nhịp nhàng, rất đặt biệt. Điều này có thể cảm nhận rất rõ ở những dãy nhà trên khu phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền và Phan Chu Trinh. Cũng lại do điều kiện lịch sử, đặt biệt là qua thời kỳ biến động, mà những ngôi nhà này không cùng một bóng dáng mà lại có những nét khác biệt, mỗi một nơi một khác. Chúng còn được quy định bởi chủ nhân là người Pháp hay những công chức người Việt làm việc trong bộ máy chính quyền Pháp, hay lại là nhà của những người giàu có bản xứ...

Chính điều ấy làm cho người dạo chơi không thấy phố buồn tẻ.

Không nói những ngôi biệt thự đặt biệt của các quan chức cao cấp trong chính quyền Pháp với những ngôi nhà “hoành tráng” trong một không gian rộng thì hầu hết các dinh thự tư gia ở Hà Nội, đặt biệt là những block mà những người bản xứ thì dáng dấp rất vừa phải, khiêm nhường, không có nhà nào xây vọt lên. Giữa hai nhà bao giờ cũng có một cự li thú vị theo lối kiến trúc địa phương. Nếu là nhà của quan chức nhà nước thì sẽ có những khoảnh vườn nhỏ với hàng rào tách biệt (thấy rất rõ ở khu Trần Phú, Khúc Hạo, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ). Nếu là nhà của thị dân thì đó sẽ là cổng vào và lối đi chung, có vách ngăn, ấm cúng mà vẫn riêng biệt (những ngôi nhà điển hình còn lại ở phố Ngyễn Thái Học, Ngô Quyền hay Phù Đổng Thiên Vương). Tầm vóc của ngôi nhà phù hợp với không gian kiến trúc lại xen cài với cây xanh. Ngôi nhà thì nhỏ nhoi, còn cây xanh thì dù chỉ có một mảnh vườn, một dây hoa leo, vài chậu hoa theo lối đi hay trên ban công cũng đủ làm xen cài, làm dịu không gian sống, không ai thấy bí bít, không ai thấy khó chịu.

Lại có một điều hay nữa là những nét văn hóa đậm chất Việt tồn tại trong lòng những ngôi nhà có dáng dấp châu Âu ấy. Tôi có dịp đến thăm một ngôi nhà như thế trên đường Nguyễn Thái Học. Cổng vào kiểu Pháp, những cánh cửa, ban công, gờ chỉ, đến cả dàn hoa đăng tiêu hay những nét trang trí đặc thù như lò sưởi và chùm đèn pha lê cũng “đặc Pháp”. Nhưng bước vào nhà thì thấy mùi trầm hương của ngày rằm âm lịch. Bàn nước, sập gụ, tủ rượu và nhất là không gian tâm linh với hoành phi, câu đối và đồ thờ cúng đều đậm chất Á Đông. Rồi cả những bức ảnh truyền thần về người chủ đầu tiên của ngôi nhà trong trang phục áo the khăn đóng bên cạnh người vợ còn nhuộm răng đen. Thế mà những thứ Đông Tây kim cổ ấy vẫn hòa hợp với nhau một cách kỳ lạ. Chẳng thế mà người sống ở đó hay người chỉ có dịp ghé qua đều cảm thấy thanh thản, hòa mình với không gian. Những biệt thự đấy đóng góp cho Hà Nội một diện mạo đô thị rất êm ả, rất khang trang đẹp đẽ, hài hòa với thiên nhiên một cách sinh động.

Như một lời bạc đãi quá khứ


Ba năm trước tôi có đọc một bài báo nói về căn nhà số 20 Tông Đản, chỗ ngã ba Lê Phụng Hiểu. Cũng không nhớ chủ nhà cũ là ai, chỉ nhớ mang máng rằng đã có một thời đó là trụ sở của Sở ngoại vụ Hà Nội. Rồi sau khi Sở ngoại vụ chuyển đi thì ngôi nhà đó gần như bị để hoang phế. Khi viết bài này tôi cũng có đi lại qua đường Tông Đản và lại vẫn thấy một cảnh tượng tang thương. Một ngôi biệt thự đẹp đã thành phế tích ngay trong lòng thủ đô Hà Nội. Những mảng tường lở lói, trơ cả lõi gạch, những đường trang trí sứt mẻ, cửa long, mái đổ, có lẻ chẳng biết sẽ sập xuống lúc nào.

Thế mà bên hông nhà lại có một quán lẩu bò Sài Gòn cực kỳ đắt khách. Một bên ồn ào, một bên lại dửng dưng. Mà đấy không phải là ngôi nhà duy nhất từ thời Pháp thuộc của Hà Nội có nguy cơ biến thành phế tích. Mới đây, nhân dịp kỉ niện Ngày Toàn quốc kháng chiến lại đọc được bài báo về “Một di tích” Hà Nội 60 ngày đêm “đang bị lãng quên”. Đó là biệt thự cổ Anh Hoa ở số 10 phố Ngõ Ngạch, cổng sau đi ra số nhà 85 Hàng Chiếu. Đây là ngôi “nhà Tây” 3 tầng rất kiên cố, dưới tầng hầm có các con đường thông sang các ngôi nhà 11 Hàng Đường, số 7 Hàng Đường... Trong 60 ngày đêm chiến đấu tại khu vực Đồng Xuân, biệt thự Anh Hoa được sử dụng làm trụ sở củ Ủy ban kháng chiến. Thế nhưng, trải qua tháng năm lịch sử, qua nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, toàn bộ khu vườn của biệt thự Anh Hoa đã bị phá. Hai tầng của ngôi nhà hiện là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân. Họ cải tạo, sửa chữa khiến cho ngôi biệt thự biến đổi hoàn toàn. Người  lâu ngày về phố, nhìn cảnh nhớ người...

Cũng chỉ biết chảy nước mắt xót xa.

Những gì đang xảy ra với 2 ngôi nhà này có lẽ cũng là tình trạng chung của nhiều, rất nhiều những ngôi nhà mang dáng dấp châu Âu còn sót lại ở Hà Nội. Âu cũng là những hậu qủa do lịch sử để lại, cả ở góc độ khách quan cũng như chủ quan. Nhà ờ biến thành cơ quan. Rồi một ngôi nhà lại phải chia sẻ cho 5-7 hộ gia đình cùng chung sống. Mà tôi cũng như anh, ai chẳng phải cố gắng mà sống cho ra sống. Thế nên ai cũng tranh thủ phát triển thêm những không gian, vẩy vấy, lấn chiếm, cắt xén đi những cái không gian vốn dĩ có sự gián cách, đáp ứng một nhịp điệu kiến trúc nhất định. Cây xanh, những vườn nhỏ đằng sau không còn. Khoảng cách giữa nhà, ngõ vào, sân, vườn, nhà phụ, nhà chính không còn. Nhà nào cũng tìm cách cơi nới chi tiết bên trong không gian, phá bỏ bớt đi, làm thêm gác xép, ban công thì che đậy, vá víu, chật chội. Rồi không có chỗ phơi phóng thì người ta lại chồi ra những không gian phía ngoài những ngôi nhà, còn gì là cảnh quan. Chưa nói gì đến tầm thước của các tầng, những kiến trúc kết hợp với mái ngói rất ăn ý, cái cốt cách của nó rất vững vàng về mặt hình thức thì có nhà bạt cả mái ngói đi làm mái bằng, mái tôn. Mà thực ra trong mấy chục năm phát triển, nhiều gia đình mang tiếng là ở trong những ngôi biệt thự những cũng khổ chả kém gì những gia đình ở phố cổ. Nhiều gia đình cũng chỉ ở trong vỏn vẹn 6-7m² trong khu phụ. Cũng chẳng ai thích thú gì nhưng lực bất tòng tâm. Thế là ngôi nhà nào được trưng dụng làm công sở, cơ quan nhà nước và nhất là cơ quan văn hóa thì còn biến đổi ít. Còn lại thì đều đã thay đổi quá nhiều. Bây giờ thật khó tìm lại được một ngôi nhà còn mang dáng dấp kiến trúc đặc trưng thời kỳ thực dân hoặc tân cổ điển. Cũng thật khó mà nhận diện được ý đồ của người kiến trúc sư còn sót lại trên những ngôi nhà đã bị biến dạng. Một số ngôi nhà bây giờ đã được cải tạo, sửa chữa, người thường thấy vẫn đẹp (ví dụ như một số sứ quán, tổ chức quốc tế...).

Nhưng dưới con mắt người có nghề thì vẫn thấy nuối tiết thế nào.

Cố giữ lấy những gì còn lại


Ai đã tình cờ đi qua phố Khúc Hạo sẽ thấy một quán cafe nhỏ nhỏ, xinh xinh có tên là Chim xanh, nép ngay dưới tán cây của một ngôi biệt thự cũ. Cũng phải nói luôn là quán cafe ấy không đẹp, nếu nói về mặt kiến trúc. Nhưng điểm đặc biệt của quán là luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho khách hàng nữ (luôn tính giá tiền thấp hơn so với khách hàng là nam giới). Đó có lẽ cũng là một cách ứng xử “rất Pháp” của chủ nhân ngôi biệt thự cũ.

Tôi có dịp nói chuyện với KTS Đào Quốc Hùng, một người rất nặng lòng với những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội. Ông có nói rằng chính cái không gian sống ấy cũng đã “quy định” nên cái tâm thế, cái cách ứng xử rất hào hoa , thanh lịch của người Hà Nội xưa. Ông còn nói rằng, thực ra những ngôi nhà mới chính là “chủ nhân”, còn những người sống ở đó chỉ là những “gia nhân” chăm sóc, gìn giữ chính không gian sống của mình.

Hai căn nhà liền kề nhau, chung một lối đi mà một nữa bên này của những người cũ thì sạch bóng, một nữa bên kia của những người đến sau thí rác rến, rồi mái vẩy mái chụp, quần áo phơi tứ thời, cha chung không ai khóc.

Mới đây, một công ty xây dựng của Pháp đã gửi cho một số hộ gia đình ở Hà Nội văn bản thông báo rằng những biệt thự xây từ thời Pháp mà các gia đình này đang sở hữu đã hết thời hạn sử dụng. Và kể từ thời điểm thông báo họ sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm về chất lượng của những biệt thự này nữa. Cho đến tận bây giờ, những người xây nên những ngôi biệt thự ấy, sau khi bay sang Việt Nam để kiểm tra “sản phẩm” của mình đã đưa ra những lời thông báo đầy trách nhiện như thế. Còn chúng ta, những người chủ sở hữu, chủ sử dụng những ngôi nhà ấy thì đã “vô trách nhiệm” với chúng từ rất lâu rồi. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, đến nay Hà Nội vẫn còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tốt, có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn. Đã đến lúc Hà Nội phải kiểm kê lại những công trình kiến trúc Pháp cũng như đặt ra tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan... để các nhà kiến trúc, xây dựng có thể thực hiện tốt yêu cầu quan trọng đó. Làm được điều này chắc cũng không đến nỗi khó. Chúng ta đã tu tạo, bảo tồn được những ngôi nhà trong phố cổ thì việc giữ lại những ngôi biệt thự kiểu Pháp này có lẽ dể dàng hơn. Có thể bắt đầu từ một số ngôi nhà có thể là điểm chốt, có giá trị về mặt văn hóa, kiến trúc hay lịch sử.

Mà nhắc đến chuyện giữ gìn, tôn tạo lại những ngôi biệt thự thời Pháp này mới lại nghĩ đến câu chuyện “đập nhà thời Pháp để xây lại nhà kiểu Pháp”. Ấy là khi Hà Nội đập cái Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền đi để xây lại Tràng Tiền Plaza. Tôi không so sánh cái nào đẹp hơn cái nào nhưng cái vẻ trầm mặc của bách hóa tổng hợp thời đó vừa có một cái gì đó làm tôi thích, lại vừa khiến tôi sợ. Những hình ảnh cũ kỹ, ảm đạm rõ ràng không phải là thứ hấp dẫn nhưng nó lại sâu đậm và thân thiết, gắn bó đến mức, nếu thấy lại những nét đó thuộc về mình. Còn đứng trước cái trung tâm thương mại tấp nập bây giờ thì tôi vô cảm. Cũng có người nói như thế là không ổn, xã hội cần phải phát triển, cái cũ kỹ nhường chỗ cho cái mới, cái tiến bộ. Hà Nội hôm nay trẻ trung và hiện đại, hơn hẳn Hà Nội ngày xưa cũ kỹ và tiêu điều. Nhưng tôi thì yêu Hà Nội hôm nay và yêu cả Hà Nội ngày xưa nữa.

Hà Nội hiền lành và thân thuộc của tôi.