Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Kiến trúc sư Dòng Dọc

Bài: Phạm Trần

noel082Được một người bạn nhã ý tặng cho mớ tổ chim, KTS Trần Bình đã nảy ra ý tứ làm cây thông giáng sinh bằng chất liệu rơm khô, kết hợp những chiếc tổ chim độc đáo với thông điệp : Phát triển, nhưng hãy cho thiên nhiên, cho môi trường, cho chim chóc một cơ hội! Và…

Noel, vẫn cứ an lành!

Vẫn cứ mong an lành cho dù khủng hoảng kinh tế, gạo châu, củi quế, mọi thứ đắt đỏ khiến chẳng ai bảo ai đều phải ăn tiêu dè sẻn.

Vì bởi đồng bào vừa bị thiên tai, bão lũ vẫn còn đang loay hoay trong khốn khó; bởi gần hết "Năm văn minh đô thị", mà thành phố vẫn chẳng mấy… văn minh, khi người dân vẫn phải ca cẩm mãi điệp khúc kẹt xe, nước ngập, đào đường, xới vỉa hè, khói bụi mù mịt ô nhiễm môi trường… Rồi con sông Thị Vải cùng hàng loạt sông hồ, kênh rạch trên khắp cả nước đã và đang bị lợi dụng, xâm hại, ám sát mà vẫn chưa biết trách nhiệm thuộc về ai. Cái giá của phát triển, của tăng trưởng kinh tế tính ra quá đắt đỏ. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, công ty liên doanh, liên kết… với nước ngoài, với mặt mũi hoành tráng, bề thế ngụy trang bằng mấy cái  mặt tiền xanh mượt , sạch sẽ và rượp bóng cây hóa ra  từ lâu âm thầm mang "rác" thả vào "nhà", chắc mình nghèo, nên đành hứng chịu?

Trời se se lạnh. Một mùa Noel nữa lại về, rộn ràng trong tĩnh lặng, lẫn lộn buồn vui…

Kiến trúc sư Dòng Dọc…

Chim Dòng Dọc còn gọi là Sẻ Đồng, là loài chim làm tổ kỹ càng, cầu kỳ, duyên dáng và có lẽ đẹp nhất trong vô số các loài chim.

Chim mái có loại tổ riêng, kín đáo, phong cách rất… mái, chim trống có loại tổ riêng thông thoáng, cẩu thả trông rất… trống.

Vì phải giữ và ủ ấm trứng qua mưa gió, bão giông, cú vọ, rắn rết… nên tổ Dòng Dọc mái trông như những chiếc túi hình chuông, bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, phồng lên như ống tay áo của các chị, dài dễ chừng một đến vài ba tấc, buông thõng, hướng xuống phía mặt đất làm cái "cửa" có một không hai, để chúng chui ra chui vào đẻ rồi ấp trứng, nuôi con…

Từ xa, tổ chim mái trông như những cái dấu chấm hỏi treo lơ lửng giữa trời. Còn tổ của mấy chàng đực rựa thì đơn giản hơn nhiều. Giông giống cái mũ chóp úp, như những chiếc lồng nhỏ được đan dệt rối hơn, thô hơn, và vì ẩu tả nên cũng "hiện sinh" hơn, ngộ nghĩnh hơn với một chiếc cầu nhỏ bắc ngang, hơi võng xuống làm chỗ đậu. Nếu được mục kích các "kiến trúc sư" Dòng Dọc xây "nhà", ta sẽ thấy chúng lựa chọn chất liệu kỹ càng cho tổ ấm lý tưởng của mình thế nào. Chúng cần mẫn cắp từng cọng cỏ - tươi có, khô có - lên rồi nhả ra, lựa cọng khác rồi lại bỏ xuống, đến vài ba lần mới chọn được một cọng thật vừa ý, ngậm cho thật chặt bay về tổ.

"Nhà" của các kiến trúc sư Dòng Dọc thường được treo trên những cành cây sao, bần, gừa, da, sộp, tràm hoặc các bụi cỏ voi. Vào những ngày mưa gió, nhìn nhà của chúng đong đưa tưởng chừng sắp rơi xuống đất mà thương. Thế nhưng chẳng có chiếc nào rơi rụng cả, những chiếc tổ trông rất mong manh ấy cứ thế bám chặt lấy các cành cây, kiên gan, bền bĩ, trêu ngươi, như một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lạ lùng, tuyệt hảo giữa không trung.

Với chiếc mỏ và vóc dáng nhỏ bé, vì sao Dòng Dọc lại có thể làm được những cái tổ thông minh, đẹp đẽ và kỳ công thế kia? Vì sao chúng lại làm đồng loạt những cái tổ có cấu trúc giống nhau đến thế? Người Sài Gòn không biết, hay nói chung con người không thể hiểu, nên có người giải thích… đại thế này: "Chắc kiếp trước con Dòng Dọc là… kiến trúc sư!".

…Và những mẩu chuyện quanh cái tổ chim!

Cây thông Noel với tổ chim là đề tài thú vị, sôi nổi mỗi ngày cho những vị khách ghé chơi văn phòng kiến trúc sư  Trần Bình .Không biết đúng sai  mỗi người mỗi câu chuyện, ai cũng tỏ ra rành rẽ chuyện chim chóc, nhất là chuyện Dòng Dọc xây tổ ra sao.

Một chị bạn có vẻ rành chuyện nhà quê, quả quyết chim trống xây cái tổ đơn sơ như vậy để… dụ các em chim mái đến chơi. Sau đó nếu em nào ưng thì về cùng, góp sức xây tiếp cái tổ to, có cuống dành cho lũ con chung. Một chị khác bảo đã tận mắt mục kích chúng xây nhà, "mỗi cái tổ ngốn thời gian, công sức của chúng đến vài tháng" - chị bảo.

Một anh khuyên cẩn thận, coi chừng có rắn trong mấy cái tổ, vì một số loài rắn cũng là kẻ cướp chuyên rình mò ăn trứng, giết chim non. Vài người ngỏ ý muốn xin cái tổ chim "về cho tụi nhỏ thấy, vì lâu nay chỉ đọc sách, xem tivi thôi chứ chưa được sờ mó cái tổ chim thật thế này". Và cũng không ít người rón rén hỏi "tổ chim nhân tạo ai làm mà giống quá, khéo quá?!".

Nhà văn Lý Lan chặc lưỡi: "Đẹp thì có đẹp, nhưng thương mấy con chim bị mất nhà". Người khác hưởng ứng: "Lấy tổ chim làm đề-co thế này đến tuyệt chủng đàn chim mất!".

Một nhân viên  quê tận Tân Châu - Hồng Ngự (An Giang) khẳng định: "Mấy cái tổ này chúng bỏ rồi, thường chúng chỉ trú ngụ qua một mùa, mùa sau chúng làm tổ mới". Và anh thêm: "Ba cái tổ chim này đâu có hiếm,  biết anh cần  là nhờ mấy người bạn sẽ chở lên cho cả xe tải!".

Trời! Thật vậy sao? Nghe cũng mừng …

Được biết, theo thống kê năm 2005 của nhà nghiên cứu Nguyễn Cử, Việt Nam có đến 70 loài chim nằm trong Sách Đỏ, trong đó có "kiến trúc sư" Dòng Dọc!

Chuyện người - chuyện nghề

Những câu chuyện cứ thế nối dài bất tận, làm Trần Bình ra vô nhìn mấy cái tổ chim mà… áy náy. Nhưng anh cũng thú nhận nhờ vậy mình có thêm kiến thức về loài chim, thấy nó thật gần gụi với mình, với cái nghề quanh năm suốt tháng lặng lẽ làm "tổ" cho thiên hạ. Ngoảnh lại thì cái tổ của chính mình, của người thân mình như… tổ quạ, chẳng ra làm sao!

Thật vậy, có dịp nhìn mấy cái tổ chim mới thấy, đôi khi con người chẳng hơn gì loài chim, nhất là trong việc xây "tổ" cho mình. Hễ nhiều tiền là cứ… hoành tráng, cầu kỳ, kiểu cọ, nổi trội, lòe loẹt lên, như một loại trang sức, không như "tổ ấm" nữa, mà thành cái… tổ lạnh.

Trần Bình mê tổ chim, ghiền thiên nhiên, ưa cây cỏ, khoai sắn, rơm rạ, quê mùa, nhưng lại rất biết cách điều phối, kết hợp, nâng cái mộc mạc lên hàng cốt cách.
"Lâu lắm rồi, đã từng đi khắp gần xa, đây đó, đôi lúc tưởng như đã bão hòa với những cái đã nhìn, đã thấy, mới lại được trở về với một mạch cảm xúc mạnh đến thế. Nó như những gì mà tôi hằng nghĩ, và muốn được, không chỉ cho riêng mình, về một không gian Việt cho người Việt mình" - họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng ngạc nhiên, xúc động bày tỏ, khi lần đầu tiên đến "đại bản doanh" của Trần Bình, nhìn thấy những cây thông Giáng Sinh và "cảm nhận bằng cả năm giác quan" - anh chia sẻ.
"Có khi kiếp trước mình là con Dòng Dọc?" Trần Bình đùa. Thế nhưng thời bây giờ có mấy ai ưa xây nhà theo kiểu của Dòng Dọc, nên hẳn nhiên Trần Bình đã và sẽ phải…cần mẫn, xem đó  là cái nghiệp của mình

Noel đã đến năm mới đang chực chờ ngoài cửa,  một số công trình, dự án sinh thái đang thực hiện với mật độ  xây dựng không quá … 1% - có thể làm nhiều đại gia bất động sản le lưỡi, lắc đầu - quả thật Trần Bình đang kiên trì đeo đuổi lối kiến trúc theo kiểu của… Dòng Dọc vậy!

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy, số 925 - 12/2008