Song Phạm
Ngôi nhà được người cha cho xây dựng và hoàn thành vào những năm 1930 – 1940, để một cậu bé từ nhà quê Cà Mau lên ăn học ở đất Sài Gòn. Con đường nơi ngôi nhà tọa lạc mang một cái tên rất đỗi mộc mạc: đường Thầy Bài, xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định, nay là đường Võ Trường Toản, Bình Thạnh.
Phía đầu đường có bến xe thổ mộ, đêm đêm cậu bé thức học bài, nghe tiếng chân ngựa khua lộc cộc chở rau củ, đồ hàng giồng từ Thủ Đức, Củ Chi, Hốc Môn... mang tập kết tại đây cho kịp buổi chợ sáng của chợ đầu mối Bà Chiểu.
Con đường xưa kia nổi danh còn nhờ có hai hàng thị dọc hai bên, có hoa thị, trái thị rụng tỏa hương thơm lừng, quấn quýt lũ trẻ theo chân mẹ đi chợ, từng đi vào thơ ca của nhà thơ Phan Vũ, khi ông lần đầu tiên vào Sài Gòn thăm và ở trọ nhà bà con.
Bên trái, cách chừng 10 mét là rạp hát Cao Đồng Hưng - hình thành từ một cái bốt Tây cũ - thường xuyên treo rập rờn bảng quảng cáo xanh đỏ, vẽ tên các nghệ sĩ cải lương lừng lẫy lúc bấy giờ. Rạp càng nổi tiếng hơn kể từ khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết ngay trước cửa rạp.
Phía đầu đường còn có nhà của nghệ sĩ Kim Cương, nơi chàng thi sĩ si tình họ Bùi (Bùi Giáng) nghe nói từng lui tới để ngắm nhìn người tình trong mộng của mình và làm thơ.
Năm 1945, cậu bé ngày nào giờ trở thành anh thanh niên, tốt nghiệp trường Tây Chasseloup Laubat - nay là trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn - anh bắt đầu với nghề gõ đầu trẻ.
Để thỏa chí tang bồng, anh theo con đường cái quan làm một chuyến xuyên Việt từ Nam ra Bắc, vừa đi vừa dừng chân khắp chốn, dạy học kiếm tiền đắp đỗi cho cuộc hành trình.
Tại đất Bắc, anh đem lòng say mê cô thôn nữ xứ Thanh, lập gia đình rồi đưa vợ con xuôi Nam vào năm 1951 - trở về ngôi nhà cũ.
Tại đây, do thời gian xa cách, ly loạn, ngôi nhà đã qua tay người khác. Hai vợ chồng đã phải chuộc lại ngôi nhà, xây lại tổ ấm và bắt đầu một cuộc sống mới.
"Ngôi nhà được xây theo lối cổ - đại đồng đường - để nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái quần tụ bên nhau. Phía trước là nhà ở chính, khoảng giữa là giếng trời, ngoài nhà bếp ra toàn bộ khu vực phía sau dành cho người ăn kẻ ở. Khi chuộc lại, ngôi nhà gần như hoang vu với cỏ dại mọc tràn, rêu phủ xanh khoảng sân vắng" - cụ bà, linh hồn của ngôi nhà - nay đã đã ngoại bát tuần nhớ lại.
Ngoài nghề gõ đầu trẻ, khi những đứa con lần lượt ra đời, người chồng bắt đầu lao ra làm kinh tế. Đời sống dần ổn định, khấm khá. Để trang trí phòng khách, người chồng mua tặng vợ bộ salon, tủ buffet và bàn ăn nhãn hiệu sơn mài Thành Lễ - một thương hiệu sơn mài nổi tiếng lúc bấy giờ do chất liệu sơn son, then thắm, dát vàng được mang từ xứ Bắc vào, được vẽ và chạm một cách tỉ mẩn, tinh xảo trên chất liệu gỗ quý, từ bàn tay của những người thợ thủ công lành nghề.
Vị chủ gia đình rất say mê âm nhạc - một phần do gien di truyền từ ông nội, và cả người cha, bản thân ông cũng đã từng có thời gian miệt mài luyện violon và kéo đàn tài tử. Và ông đã dồn tất cả tình yêu và khát vọng âm nhạc cho những đứa con.
Ông mua chiếc dương cầm cho lũ trẻ, đặt trang trọng trong phòng khách, và lần lượt từng đứa con ai nấy đề được ông cho học đàn tại gia, rồi vào trường Quốc gia Âm nhạc - Nhạc Viện Thành phố ngày nay. Từ đấy, trong tất cả những bữa tiệc gia đình, nhất là dịp lễ tết, sinh nhật, kể cả vào những bữa tiệc cuối tuần, tiếng đàn dương cầm thánh thót vang lên, hòa quyện với tiếng cười, tiếng nói, tiếng ca hát và giỡn đùa của lũ trẻ làm ngôi nhà ấm áp và căng tràn nhựa sống. "Ngôi nhà văn nghệ" - người dân quanh đấy đã gọi ngôi nhà như thế. Tiếng lành ngày một lan xa, nhiều tài tử, giai nhân say mê đàn hát cũng đã quy tụ về đây, trong số đó có cả giọng hát, giọng ngâm của các ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Hồng Vân,...
Năm 1968, trong khi ông chủ gia đình dự tính xây sửa lại ngôi nhà theo lối kiến trúc tân thời, thì đột nhiên ông phát bệnh, qua đời, bỏ lại người vợ hãy còn rất trẻ, và một bầy con thơ dại. Ngôi nhà vì thế vẫn cứ được giữ nguyên hiện trạng ban đầu, cho đến tận ngày nay.
Sau khi ông mất, đến lượt người vợ rời bỏ công việc nội trợ, bếp núc, lao ra ngoài bươn chải nuôi cho sáu người con. Một thời gian dài, ngôi nhà rơi vào trầm mặc.
Ngôi nhà lại tiếp tục vang lên tiếng đàn, tiếng hát, khi những đứa trẻ lớn lên, ồn ả quây quần bên mẹ, bên nhau cùng bạn bè tụ lại, lập thành ban nhạc, người đệm piano, người chơi trống, người đánh guitar, lại hát ca bềnh bồng suốt ngày đêm, suốt tuổi thơ. Bà con, chòm xóm quen với tiếng đàn, tiếng hát, sau này có người tiết lộ đã đâm ra yêu thích và say mê âm nhạc từ thuở đó.
Năm 1975, đời sống xã hội với những biến chuyển, đổi thay. Một thời gian dài người mẹ và sáu đứa con hãy còn tuổi ăn, tuổi học. Bà chủ nhà đã phải bán dần từng chiếc áo dài, từng vật dụng trong gia đình, kể cả chiếc đàn dương cầm thân thuộc. Thế nhưng, bà nhất quyết giữ lại bộ salon, tủ buffet và bàn ăn sơn mài của người chồng quá cố, dù thời điểm đó có người trả giá khá cao, số tiền có thể lo cho các con một thời gian dài. "Đây là vật vô giá" - bà chủ ngôi nhà khẳng định, tự hào vì đã giữ được di vật của người quá cố.
Vẫn bộ salon, chiếc bàn, chiếc tủ ấy, bên cạnh chiếc quạt trần quay hoài, quay mãi từ bấy đến nay dường như không hề biết mỏi, vẫn sàn gạch bông không còn rõ xuất xứ nhưng càng lâu ngày càng sáng bóng, mát lạnh. Trong góc nhà vẫn còn đặt chiếc máy đánh chữ hiệu Lexikon xưa cũ, những tập nhạc cũ, sách mỹ thuật nằm im trên những chiếc kệ gỗ có số tuổi ít nhất cũng từ 40 đến 50 năm, còn hơn cả tuổi đời của nhiều thành viên khác trong gia đình. Ngôi nhà của kỷ niệm, nơi chất chứa những chuỗi kỷ niệm của bà chủ - linh hồn của ngôi nhà kể từ khi bà bước chân vào đây.
Và ngôi nhà vẫn cứ y nguyên thế. Chứng kiến từng đứa con đủ lông đủ cánh lần lượt theo nhau bay đi mỗi người mỗi hướng...
Thời gian trôi qua với nhiều biến động thời cuộc. Cho đến nay, khá hiếm hoi, ngôi nhà vẫn giữ gần như y nguyên lối kiến trúc xưa, kể cả cách bài trí. Vẫn chiếc bàn thờ thờ ông bà, có thêm ảnh của ông chủ nhà, và thêm vài người nữa, già có, trẻ có...
Thắm thoắt gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ngôi nhà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Bà chủ nhà bát tuần và kể cả lũ trẻ, nay đã trở thành những người lớn, cùng những đứa cháu lần lượt ra đời, đã được ảnh hưởng từ ngôi nhà tính khiêm cung, trầm mặc, an hòa...
Và ngôi nhà vẫn cứ y nguyên như thế, lặng lẽ chứng kiến từng đứa con, đứa cháu đủ lông đủ cánh lần lượt theo nhau bay đi mỗi người mỗi hướng, về những vùng đất, những ngôi nhà riêng khác hiện đại, khang trang, sang trọng hơn. Nhưng lạ thay, tâm hồn họ lúc nào cũng hướng về ngôi nàh cũ, ngôi nàh của kỷ niệm, "ngôi nhà văn nghệ" một thời, nơi vẫn còn cất giữ y nguyên tuổi thơ, tâm hồn họ. Để rồi trong những giấc mơ, đây chính là nơi họ mãi mãi hướng về.
Buổi sáng. Cụ bà - linh hồn của ngôi nhà, người thuộc từng ngóc ngách, từng viên gạch, từng vết rạn trong ngôi nhà cũ - thường ngồi ăn sáng ở khoảng sân sau. Nắng ùa xuống sân, tràn vào góc bếp, vào cửa phòng bà. Lũ chim sẻ theo thói quen hàng đàn sà xuống ríu ran đòi ăn. Bên chiếc bàn kiểu dáng rất xưa hằn lên từng vết hằn kỷ niệm, mái tóc trắng nghiêng xuống những tấm ảnh cũ đã bạc màu...