Bài: Vu Gia
Ở quê, nhà nào cũng có mảnh vườn nên phía trước nhà thường là cái sân con và cổng nhà, ngõ sau/cổng sau dành cho trai bạn (người giúp việc) đi lại hay trâu bò về chuồng. Ngày về nhà chồng mà không hạp tuổi, nhiều cô dâu đành phải vào nhà bằng ngõ sau, trong khi hai họ vui vẻ bước vào ngõ trước. Bây giờ ở phố, nhiều nhà có cổng chính rất đẹp nhưng cũng có cổng phụ để ra vào, hiếm khi mở cổng chính nếu không cần.
Những cổng làng, cổng ngõ không chỉ khẳng định quyền sở hữu mà còn thể hiện sự tôn trọng, mời mọc khách phương xa nên hầu như không có nhà nào khang trang mà cổng ngõ ọp ẹp cả. Từ xa xưa, cổng làng không chỉ được xem là một mốc địa giới mà còn là “cái tôi” của làng. Và cổng ngõ cũng vậy. Khi làm cổng ngõ, người ta thường tham vấn những người lớn tuổi trong tộc họ hoặc đi nhờ những người biết “chữ nghĩa thánh hiền” đến coi giúp. Theo quan niệm của người xưa, cổng ngõ có thần ngõ/thần giữ cửa. Vị thần này có nhiệm vụ che chở, bảo vệ cho chủ nhân trong khuôn viên đất được qui định ấy. Một lần tôi theo cha và mấy người bà con theo ngược sông Vu Gia lên Trường Sơn kiếm cây về làm nhà và ít củi về đun nấu. Tối đến, trước khi đi ngủ, một người trong đoàn lấy bốn khúc cây cắm bốn góc chỗ mọi người hạ trại và cho biết đó là hình thức mời thần giữ cửa về canh hộ để mọi người trong khuôn viên tạm định ấy được yên lành.
Theo thuật phong thuỷ, mở cổng làng, cổng ngõ mà không khéo thì dễ làm ảnh hưởng không hay đến cả làng hoặc cả nhà.Vì vậy, phải tính toán sao cho hợp với số tiên thiên, như: 1-6, 2-7, 3-8, 4-9. Ví dụ, nhà có hướng Nam thuộc Ly mang số 9, hợp thành số tiên thiên 4-9. Được vậy, gia đình sẽ làm ăn khá giả, bình ổn…
Nhưng cách tính toán ấy chỉ dành cho cổng ngõ của những gia đình giàu có, chứ dân nghèo thì cứ “nhắm nhắm”, coi được thì thôi. Ở Quảng Nam quê tôi, ngày trước, giàu có mới làm cổng ngõ bằng gạch, còn phần lớn khi định vị xong vị trí cổng thì chủ nhà mới trồng hai bên cổng hai cây (các loại cây dễ sống, mau lớn như chim chim, gòn, tràm); kéo dài hai bên cổng là bờ tre, hàng keo, hàng cau, bờ chè tàu làm giậu.
Người xưa quan niệm: Cái cổng ngõ như cái miệng của con người. Độc từ miệng vào, tai hoạ từ miệng ra. Và cái duyên cũng ở cửa miệng nên chẳng ai không cẩn thận. Khi nhìn vào trong họng thấy cái “lưỡi gà” chứ không thể thấy ruột gan. Do vậy, không mấy ai làm cổng ngõ chính diện ngôi nhà. Nếu có thì khoảnh sân phía trước phải làm thêm cái bồn hoa hoặc hòn non bộ hay đặt nơi đó cái chậu kiểng..., không thể nhìn thông thống từ ngoài ngõ vào tận gian chính. Cái bồn hoa, hòn nam bộ, chậu kiểng ấy chính là cái “lưỡi gà” trong cuống họng.
Chiều ba mươi Tết, nhà nào không có cây nêu thì buộc nhánh xương rồng trước ngõ. Có nhà rắc vôi bột trước sân, ngoài cổng vẽ hình bàn cờ, cây cung với mấy mũi tên bắn ra. Nhà nào có ngõ sau thì cũng treo nhánh xương rồng lên nơi ấy. Bàn cờ là để ông thần ngõ/thần giữ cửa vui chơi với bạn bè trong ba ngày Tết, còn cung tên thì như trang bị thêm “vũ khí” cho thần ngõ/thần giữ cửa ngăn những thế lực xấu muốn vào quậy phá gia chủ. Không dễ nơi đâu trên thế giới này có làng/xã anh hùng như ở Việt Nam. Phải chăng một phần cái cổng làng, cổng ngõ mà bao đời qua, người dân Việt sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ làng/xã của mình!