Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Rẻo đất sống

Bài: KTS Trần Bình; Ảnh: Ngô Đình Trúc và Phan Quang
Công trình được đăng trên tạp chí Đẹp và Nội Thất - 2009

rds1Ðọc quyển sách của người bạn tặng, khởi đầu một chương bằng một mẩu đối thoại trong tác phẩm “Dịch Hạch” của Albert Camus:

-  Thưa bác sĩ, ai đã dạy bác sĩ tất cả những điều đó?
-  Ðó là sự nghèo khổ!  Ngay lập tức bác sĩ nói.

Khi nhận được nhiều thông tin từ khách hàng, một người trẻ thành đạt mà xuất phát điểm bằng cách tự bươn chải, tự lớn lên và tìm được cho mình chốn an cư  giữa sài gòn vừa chật vừa rộng này, thì tôi đã hiểu hơn ý của ông bác sĩ.  Rồi ý tưởng thiết kế cũng xuất phát từ đó: sự phóng khoáng, cái đẹp không còn bị bó buộc bởi hình thức, chuyển tải được thông điệp “trẻ”.

Ngôi nhà như nằm trên rẻo đất thừa sau lưng một cái nghĩa địa mini, nơi mà ngày xưa đất đai không có giá thì dù có cho người ta cũng không dám ở.  Bây giờ người sống sống chung với người chết là chuyện nhỏ; cái quán bánh xèo bên mấy cái mộ và sau mấy gốc chuối già, trời mưa  sấm chớp đùng đùng, cảm giác cũng rất lạ giữa phố xá Sài Gòn này.  Có chút  rợn rợn, buồn buồn!

Mặt tiền nhà nếu trừ hai cây cột thì cái cổng rào còn đúng một mét, một bên là cây cột điện lượm được ở đầu ngõ, một bên là cây cột bê-tông cũ được giữ lại để khi nhắm mắt vào nó không còn là cái cổng mà chính là một mắt xích nối kết giữa cái ngày xưa và hiện tại, cái cũ và cái mới, sắt và gỗ, một tác phẩm không ai biết.  Cầu thang hun hút sâu, đi liền một mạch từ dưới đất đến tầng trên cùng cặp bên mảng tường gạch cũ xuyên suốt một hông nhà.  Mặc bộ đồ híp-hốp đi xuống hết cái cầu thang chắc ăn cũng sẽ bỏ bớt mấy thứ phụ trang linh tinh không cần thiết; sự thô mộc, cũ và hơi già nua của mấy viên gạch cũng làm người ta giản dị bớt.

Vật liệu sử dụng không hào nhoáng, nội thất không mới nhưng không gian được xử lý rất trẻ; phòng ngủ và vệ sinh chỉ được phân định bằng mấy cái kệ vừa tiện dụng vừa gộp được không gian, như nhân đôi diện tích. Lùi lại tám tấc sau nhà của tầng trên cùng là nơi đặt cầu thang leo lên mái khi cần thiết và lấy gió cho phòng ngủ, hai chức năng được giấu vào mảng xanh, người đứng tắm không còn cảm giác giới hạn trong bốn bức vách mà như lọt tỏm vào thiên nhiên.

Ngôi nhà thiếu bóng dáng của người lớn tuổi, các em còn mê chơi, anh cũng lo chạy vạy với những ham đòi của cuộc sống, mọi người như còn quanh quẩn với cái quá khứ và khập khiễng với những cái “già nua” và “cũ kỹ” thì người thiết kế như “bật được cái hộp quẹt” để ngôi nhà là nơi trung chuyển những giá trị đích thực của cuộc sống, chất chứa những kỷ niệm của ngày xưa để tạo dựng lại nếp nhà.  Mọi người quẳng được cái lo toan bộn bề để quây quần rồi hiểu và chia sẻ.

Ngôi nhà không còn là nơi để ở mà chính là nơi để sống!

rds7 rds8
rds2 rds3
rds9 rds6
rds4 rds5