Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Lo già hết duyên

Bài: Đoàn Khoa

Giọng ru của má cứ đều đều, nằng nặng dỗ thằng cháu ngủ dưới nhà làm tôi nao lòng:
“Một mình lo bảy lo ba
Lo hoa trổ muộn lo già hết duyên...”

Tôi loay hoay mãi với cái ảnh đối ngược của chính mình trong gương mà vẫn không cách nào tự nhổ được mấy cọng tóc bạc vừa phát hiện. Mệt mỏi và căng thẳng, tôi đành bỏ cuộc rồi vội gom sách tập chuẩn bị đi học.
- Ráng đi sớm, nếu không cả lớp tưởng mình là thầy, sẽ đứng lên chào !!!... Mấy người thân căn dặn.
...Lớp tôi đa số là các em học sinh cấp hai, đôi ba sinh viên, mình tôi già nhất.
“Anh-Thầy” người Pháp trẻ măng than thở:
- Ở Việt Nam, tôi rất khó chịu khi người ta hỏi tôi những câu như sau: “Lương ông bao nhiêu ?...Có vợ chưa ?...Bao nhiêu tuổi ?...”
Tôi giơ tay hỏi ngay:
- Thầy bao nhiêu tuổi ?
- Ông đoán đi !
- Tui nghĩ thầy 30 !
- Cám ơn ông, tôi 31 mà ông nói tôi chỉ mới 30, vậy từ nay về sau, nếu ai hỏi tôi bao nhiêu tuổi, tôi sẽ trả lời rằng tôi chỉ 30 mà thôi !“Anh-Thầy” đùa, sau đó, anh ta nói.
- Tôi nghĩ rằng ông khoảng 30 như tôi !
- Không, tôi già hơn thầy 15 tuổi !
- Thật không ? – Thầy ngạc nhiên
Tôi nói thêm:
- Ngày mà tôi 30 tuổi, tôi buồn vô hạn, vậy mà lúc 40, tôi lại hài lòng...
“Anh Thầy” thở dài rồi nói:
- Tôi hy vọng rằng năm 40 tuổi, tôi cũng sẽ hài lòng như ông...
- Thầy yên tâm đi, tui tin rằng lúc đó thầy sẽ lạc quan hơn bây giờ... Như ông ngoại tui chẳng hạn, năm ổng 80 chục, ổng tưng hơn năm 40...
...Ngoại tôi với quá khứ lừng lẫy vậy mà bây giờ chỉ là một ông già cô quạnh sống trong căn hộ hết sức bé nhỏ, khiêm tốn ở Paris. Mỗi lần qua Pháp, dù đã có chỗ ở tốt, nhưng tôi vẫn giữ một bộ chìa khóa nhà ông để bất cứ lúc nào cũng có thể nằm dài trên tràng kỉ duy nhất nghe ông kể chuyện đời.
- Ngày thường, nếu vào mà không thấy ông thì đợi một chút ông về. Riêng thứ bảy, sau 7 giờ chiều thì không có ông, đừng đợi - Ông đi nhảy đầm với mấy bà bạn !...
...Vài hôm sau đó, ông giới thiệu với tôi một bà bạn “già”.
Dù chỉ thua ông nhiều lắm là non chục tuổi vậy mà điệu bộ và tư thế của bà vẫn còn linh hoạt và duyên dáng. Tôi xưng cháu nhưng bà thích tôi gọi bà bằng tên hơn. Tạm gọi bà bằng Xanh vì bà luôn mặc những bộ đồ màu da trời sáng rất ư trang nhã.
Xanh nói giọng Bắc cực hay, bà kể cho tôi nghe rằng ngày xưa từng làm trong ngành hàng không ở Lào và có địa vị cao, hèn chi ở từng tuổi này, bà vẫn hết sức bặt thiệp và tao nhã...
...Trong không khí rộn ràng “Lễ hội âm nhạc” mừng ngày hè đầu tiên, tôi gặp lại ông đang “tung tăng” giữa đường phố Paris náo nhiệt. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy ngoại tôi cặp tay với một bà già khác hết sức điệu đàng, nào là bộ đồ rất chic*, chuỗi hạt, bông tai, nón, bóp đầm,... thậm chí cả màu son trang điểm... tất cả đều hồng tươi từ đầu tới chân.

Tôi buột miệng hỏi ông:
- “Xanh” đâu ?
Ông vội vàng kéo tôi ra xa và dặn:
- Xuỵt !!! ...Đừng nhắc tới “Xanh” ở đây vì “Hồng” không thích...
- A !!!... - Tôi làm ra vẻ hiểu
Ông giải thích ngay:
- Không phải họ ghen nhau vì ông đâu, mà vì hai người này luôn chê nhau rằng người kia nhảy không đúng nhạc !...
...Trước khi ông cháu tôi tách ra hai hướng để lẫn vào đám đông, ông vói dặn thêm:
- Về Việt nam đừng kể lại mấy chuyện này cho tụi nhỏ ở nhà... Chúng nó “rầy” ông !...
...Ông làm tôi nhớ lại vở kịch “Ban mai nắng ấm” của Tây Ban Nha mà tôi mê đắm ở lứa tuổi 20.

Chuyện kịch mở đầu bằng một cuộc gây lộn hết sức khiếm nhã giữa hai ông bà già giành một chiếc ghế trong công viên, nhưng sau đó, họ huề nhau và tình cờ, họ khám phá ra người kia chính là người tình xa xưa của mình thời xuân sắc. Mắc cở vì sự trơ trẽn ban đầu, họ xịa ra rằng có quen biết với cặp tình nhân thuở trước.

Từ tình tiết này, họ đi xa hơn và cố gắng dựng nên hình tượng chính mình hết sức thanh cao như trong những tiểu thuyết diễm tình.

Ở tuổi 20, khi dàn dựng, qua cách diễn của cặp diễn viên, tôi đã cho hai nhân vật trên không gặp lại nhau trong buổi sáng hôm sau như lời họ hứa. Tôi cho họ vĩnh viễn biến mất nhằm nuôi mãi hình ảnh đẹp của chính mình trong lòng người bạn tình năm cũ. Vở kịch đầy bí ẩn, đầy luyến tiếc với niềm hoài nhớ mênh mông.

Thế nhưng ở tuổi 40, tôi lại nghĩ khác. Vì cớ gì họ không gặp lại nhau?... Người già đâu phí thời gian như bọn trẻ...? Tại sao họ không tiếp tục trở lại công viên cùng nhau ôn lại kỷ niệm xa xưa và chia sẻ cả những chuyện tào lao thường nhật ?...
Như vậy kịch sẽ có một “hép-pi-en”... cuộc đời đỡ rắc rối hơn ?
...Năm 60 tuổi, nếu có cơ hội dựng lại, tôi còn cho đôi bạn già ấy nồng nàn hơn, họ sẽ “tưng” hơn và nắng sẽ “ấm” hơn lên... Biết đâu chừng...
...

Tôi nhìn kỹ cái hình trong gương. Là mình - nhưng không phải - nó chỉ là một bức ảnh đối ngược.
...Má tôi vẫn ru cháu.

Tôi và mấy đứa em đã lớn lên trong cùng những câu ru này. Bây giờ tới phiên thằng cháu ngoại đang hạnh phúc được đắm chìm trong dòng suối âm thanh ngọt ngào.
Giọng ru đều đều và những câu ca dao quen thuộc làm tôi bị lẫn lộn thời gian. Tôi thấy mình trôi bồng bềnh trong một cảm giác không thực giữa quá khứ và hiện tại. Như xem một cuộn phim ráp nối vụng về, hình ảnh của tuổi lên 10 hiện đồng thời với tuổi 40, 41, sau đó đột ngột chuyển ngược về năm 20, 30,... rồi bổng về thuở 4, 5 chập chững... Tôi ngửi cái nóng trong căn nhà lợp tôn dột nát có ván sàn ọp ẹp mọt đầy... có tiếng cọt kẹt của chiếc võng đong đưa.

Lời ru của má xa xa:
“Còn duyên bán nhãn bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm sơ...”