Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Đường hoa ngày ấy

Bài: Anh Minh

Có còn mãi những con đường hoa Đà Lạt?


Đà Lạt ngày cuối năm không chỉ có hoa quỳ, những con đường nhỏ cũng được nhuộm vàng bởi mimoza, những cánh hoa li ti gắn liền với vùng đất sương mù. Chắc vì thế mà có người bảo Đà Lạt chỉ có 2 mùa là mùa Xuân và mùa mây. Mùa Xuân vì Đà Lạt lúc nào cũng có hoa, mùa mây là vì có những Đà Lạt như chìm ngập trong sương khói, sương mù giăng cả ban ngày làm lạc bước chân kẻ lãng tử.

Còn với riêng tôi Đà Lạt có rất nhiều mùa, mùa dã quỳ,  mùa mai anh đào, mùa hoa đào và cả mùa thu …

Cẩm Lệ Hồ trong miền ký ức


Buổi chiều cả ba đứa chúng tôi thường kéo nhau lên Đồi Cù ngồi ngắm cảnh, chúng tôi có một góc riêng và không đứa nào tiết lộ cho người ngoài biết. Vứt mấy chiếc xe đạp nằm chổng vó lên trời và không hề sợ ai lấy mất, chúng tôi đi bộ lên sườn đồi, ngồi tựa lưng vào những gốc thông và ngắm ánh nắng chiều trải dài trên hồ Cẩm Lệ. Hồi đó không đứa nào thắc mắc vì sao cái hồ nhỏ xíu mọc đầy cỏ dại, lau sậy có cái tên hết sức mỹ miều như thế. Mà cũng khó lý giải vì hồ Cẩm Lệ nằm giữa ba quả đồi có cái tên hết sức lãng mạn là Gặp gỡ, Hò hẹn, Ái ân nên người ta có thể nghĩ bất cứ một cái tên nào đấy cho dòng nước nối kết ba quả đồi lại với nhau. Tôi còn nhớ mặt hồ Cẩm Lệ lúc nào cũng xanh ngắt và phẳng lặng giống như một bức tranh mùa Thu, dù Đà Lạt chẳng bao giờ có mùa Thu. Những cây thông nghiêng bóng xuống mặt nước,  ánh hoàng hôn chạy dài trên đồi cỏ nhuộm khắp không gian một màu vàng nhẹ, mấy con chuồn chuồn đủ màu sắc lượn trên không trung rồi lẩn mất vào đám cỏ dại mọc trên hồ. Khung cảnh đó đẹp lãng mạn đến nỗi bọn chúng tôi chỉ ngồi im ngắm cảnh và chuyện trò nho nhỏ, sợ phá hỏng mất không gian thanh bình, cho đến một hôm Đồi Cù biến thành sân golf và người ta lấp cái hồ cũ để rồi tạo lại một cái hồ nước rộng hơn chảy từ đồi bên này qua đồi bên kia. Tuy vậy suốt nhiều năm liền trong những câu chuyện kể về kỉ niệm xưa lúc nào cũng có quãng trời thơ mộng bên hồ Cẩm Lệ.

Quỳ vàng mấy độ


Chúng tôi thường đợi đến cuối năm để đi ngắm hoa quỳ, vào thời điểm đó Đà Lạt thường có nắng nhưng tiết trời lạnh. Cây cối bắt đầu xanh, khi ấy những bụi quỳ bên đường trên sườn đồi bắt đầu trổ lá xanh, hé một vài nụ. Buổi sáng ngủ dậy vẫn còn nghe ngai ngái trong gió mùi hăng hắc của lá cây quỳ nhưng chỉ mấy ngày sau có nắng là hoa quỳ nở rộ, nở vội vã, nở hối hả, nhanh chóng phủ sắc vàng khắp nơi. Cái nhịp độ ấy nhanh như thể loài hoa dại này chờ đợi cả năm để có được giờ phút hân hoan này. Lúc ấy bọn tôi thường gọi điện cho nhau, hăm hở rủ nhau đi chụp hình với hoa quỳ. Hồi đó chưa có máy chụp hình kỹ thuật số, nên bọn trẻ chúng tôi thường tiết kiệm tiền ăn quà vặt để mua phim và rửa ảnh. Hoa dã quỳ phủ khắp trên các nẻo đường, sườn đồi bởi chúng là loài hoa hoang dại, gió mang phấn hoa đến đâu là mùa sau chỗ ấy ngập đầy sắc dã quỳ. Hoa dã quỳ đẹp nhất vào buổi sáng, khi nắng vừa hừng lên và sương vẫn còn đọng trên lá, trên cánh hoa. Ánh nắng làm cho màu vàng trở nên duyên dáng lạ, bọn chúng tôi đã đốt không biết bao nhiêu là phim vẫn chưa thỏa mãn. Chúng tôi diện quần áo đẹp rồi say mê chụp hoa quỳ buổi sáng, hoa quỳ buổi trưa, hoa quỳ trên núi, hoa quỳ trên đồng cỏ, hoa quỳ bên hồ không khác gì những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Mai anh đào nở sớm


Giáng sinh vừa xong là hoa quỳ cũng tàn thay vào đó là sự trở về của hoa anh đào. Khác hẳn với hoa quỳ, mai anh đào nở từ tốn hơn. Đầu tiên, cây rụng hết lá, chỉ còn lại mấy cành trơ trụi mốc meo, trông khô cằn như hết sức sống. Cho đến một ngày, khi chúng tôi lơ là sự quan sát của mình, thì những cành cây xù xì ấy bỗng nứt ra những nụ hồng phơn phớt, màu hồng mơ màng tràn đầy sắc Xuân. Những cây già khẳng khiu giờ đây căng tràn nhựa sống, màu hoa đào rực đến nao long như trổ ra hết cái khí sắc tinh tế của đất trời. Giống như những con sông êm dịu, đầu tiên tôi nhận ra sự trở lại của hoa mai anh đào ở cây đầu ngõ, cây mai anh đào già, to cao như cây cổ thụ nhưng hoa mai thì từng nụ be bé, cánh mong manh tưởng rất dễ bay trong gió, rồi đến những cây mọc hai bên hồ Xuân Hương và dốc đi lên khu Hòa Bình. Vòng đời của hoa mai anh đào rất ngắn ngủi, chỉ nở rộ trong vòng một tháng rồi tàn. Khi hoa tàn rồi, cây mai anh đào bắt đầu khoác lá xanh và đến tháng 3, 4 cây nào cũng cho ra những chùm trái mai tím đỏ. Màu đỏ của trái mai hấp dẫn đến độ không đứa trẻ con nào ở Đà Lạt mà không thòm thèm muốn cắn thử. Hồi còn nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi cũng thường hái trái mai giả bộ chơi đồ hàng rồi bỏ vào ly dầm đường ăn cho đỡ đắng.

Sáng sáng nghe mùi lộc xuân


Ngày còn bé bọn trẻ con chúng tôi thường tính từng ngày mong cho đến Tết. Chỉ cần thấy hoa mai vừa tàn là Tết sắp đến gần. Đất trời xanh hơn, sáng nào thức dậy cũng nghe mùi cỏ non, chim chóc về vui hót ngay trên mái ngói, nhiều gia đình lục đục quét vôi, sơn nhà cửa, tỉa mấy chậu lan chờ đón Tết. Đi ngang qua đường nào cũng thấy hoa dại nở đầy bởi mùa Xuân trời trong và xanh lắm, hít một hơi dài đủ thấy sảng khoái tinh thần. Mà thực sau này tôi đi rất nhiều nơi nhưng chưa nơi nào cho tôi cái cảm giác sung sướng, hân hoan khi hít vào phổi một hơi dài như ở quê nhà. Bởi vì không chỉ được hít thở thỏa thuê và say sưa ngắm nhìn, tôi còn nếm được vị ngọt của trái rừng, được chạm vào giọt sương trong vắt như pha lê mỗi sớm mai.

Đến cận kề ngày Tết, khoảng 25, 26 là ba đứa chúng tôi náo nức hẹn nhau đi mua đào, chợ Đà Lạt có bán nhiều hoa đào nhưng muốn chọn được cây đào đẹp để chưng Tết thì phải lặn lội xuống tận mấy nhà vườn ở Trại Hầm vừa để mua hoa vừa để ngắm một thung lũng tràn ngập hoa đào. Bạn tôi bảo nơi này chẳng khác chi vườn đào tiên của Hoàng Dược Sư trong Xạ Điêu Anh Hùng Truyện của Kim Dung, lúc đó ước gì có một cơn gió lớn thổi qua, những cánh đào sẽ bay lên thành cơn mưa, bay khắp thung lũng, bay qua những ngọn đồi và hương hoa lan khắp thành phố của chúng tôi.

Bây giờ lớn rồi, ba đứa chúng tôi mỗi người một nơi, chỉ có mình tôi hay về Đà Lạt nhưng những con đường xưa nay đã ít nhiều thay đổi, và ba chúng tôi cứ hẹn nhau hoài nhưng không biết đến bao giờ mới có dịp rủ nhau đi mua hoa đào ngày Tết …