Bài: Đoàn Khoa - 6/2008
Đạo diễn My Loan vừa tặng tôi bộ D.V.D show diễn mới nhất của Céline Dion tại Las Vegas. Đây là chương trình mà tôi hằng mơ ước được xem trong vài năm gần đây.
Cho dù tên chương trình là Ngày Mới, nhưng Dion hát lại tất cả những bài nổi tiếng đã đưa cô lên đỉnh vinh quang như Because you love me, The power of Love, To love you more hoặc ca khúc bất hủ My heart will go on trích trong siêu phẩm điện ảnh Titanic.
Xứng đáng là một Diva đầy phong độ, Céline viên mãn trong một sân khấu cựu kỳ lộng lẫy do kết hợp một cách ngoạn mục những kỹ thuật hiện đại như màn ảnh video khổng lồ, hệ thống thay cảnh tối tân, dàn ánh sáng mộng mơ và nhất là một vũ đoàn gồm những thành viên đặc biệt từ nhóm xiếc lừng danh Cirque Du Soleil.
Khán giả ngỡ ngàng khi chiếc dương cầm to lớn từ từ trôi trong không gian hoặc người đạp xe chầm chậm bay ngang lưng chừng sân khấu hay hình ảnh anh chàng đốt đèn cùng những cây đèn đường thời xưa lửng lơ trong các giấc mơ vô trọng lực. Ấy là chưa kể đến sự biến hóa thần tốc từ góc phố với những thị dân nồng cháy vụt thoáng biến ngay thành dải ngân hà huyễn hoặc với triệu triệu tinh tú lấp lánh, xa xăm.
Tôi mừng vì Céline đẹp hơn, đằm thắm và nữ tính hơn. Cô biết tiết chế, bớt gào thét và biết tạo những khoảng sâu lắng để khán giả có thể khóc cười cùng cô, thế nhưng tôi vẫn nhớ sự thô-gầy, vụng về và đầy bản năng của cô “hồi đó” trong “Pour que tu m’aimes encore – Để anh yêu em thêm nữa”...
“Hồi đó” cô ca sĩ lỏng khỏng này mới chỉ được biết trong những nước “thân Pháp”.
Trong video clip ca khúc trên, hình ảnh một cô gái yêu đến điên dại qua Dion làm tôi xúc động.
Cô đau đớn, cô thiết tha, cô rên xiết, cô tuyệt vọng:
“Em sẽ tìm kiếm trái tim anh cho dù anh dấu kín nơi đâu...
Em sẽ tìm bới tâm hồn anh trong giá rét lẫn trong cơn bỏng cháy...
Em sẽ thay đổi...
Em sẽ ...” (*)
Cô đọc thần chú, cô yểm bùa, cô ghim những cây kim gút vào con hình nhân tà thuật, cô có thể làm mọi thứ ngu ngốc nào đó... “để anh yêu em thêm nữa”
Đó là Céline thời thanh xuân !
...
Tôi bỗng nhớ truyện ngắn “Bức tranh có ma” thuộc loạt chuyện viết về danh nhân của nhà văn Lê Đạt, trong đó có chi tiết người họa sĩ điên-nghèo Van Gogh tặng bà chủ quán mà ông thường ăn chịu tấm tranh vẽ cánh đồng hoa mào gà đỏ thắm.
Nhiều năm sau, bà chủ xuân sắc ngày xưa, trở thành bà già nằm liệt chờ chết. Người con trai ngán ngẩm mẹ già thoi thóp đồng thời mệt mỏi vì bức tranh mà mọi người đồn là có ma ám, nên anh quyết định treo nó vào phòng, đối diện giường nằm của mẹ.
Đêm ấy, bà già hấp hối nhìn sắc đỏ lập lòe trong tranh, bà bỗng thấy mình trẻ lại. Bà mặc chiếc áo mới chấm đỏ, tóc bà có con bướm đỏ, bà tràn trề dậy thì, vừa tung tăng vừa hát trong đồng hoa đỏ rực.
Bà thấy mình đẹp và biết mình được yêu...
...
“Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây.
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui...”
Cùng tâm cảnh của người sắp từ giã cõi đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Như một lời chia tay vẫn thốt lên:
“...Để yêu thêm, yêu cho nồng nàn...”
...
Sau khi phim Perfume ra đời, lập tức hãng dầu thơm nỗi tiếng Thierry Mugler ra mắt ngay một bộ sưu tập gồm những chai nước hoa bé bỏng, tuyệt đẹp, mà nhãn hiệu của mỗi chai là tên một nhân vật hoặc sự kiện trong phim như “Mận Chín”, “Tiệm Baldini”, “Ẩn Sĩ”, “Hoan Lạc”... mà đặc biệt nhất là chai “Trinh Nữ”.
Hãng dầu thơm này còn phân tích sự ham muốn, nỗi khát vọng và niềm hoài nhớ của chúng ta thông qua viêc sử dụng mùi hương như một cách để yêu và để được yêu.
...Khi tôi hỏi về tác phẩm “Mùi Hương” của nhà văn Patrick Suskind thì có đến 100% những người bạn tôi trả lời rằng họ thích đọc truyện hơn là xem cuốn phim chuyển thể.
Tôi trở thành người cá biệt vì tôi thích phim hơn mặc dù hoàn toàn công nhận với các bạn tôi rằng cuốn sách này là niềm tự hào của văn học Đức, tác giả đã miêu tả một cách kỳ ảo những gì diễn ra bên trong của mọi nhân vật cùng tình tiết hấp dẫn và khủng khiếp mà phim ảnh khó lòng thể hiện.
Hình như chưa có tác phẩm văn học nào có thể giữ nguyên sự hoàn hảo khi được đưa lên màn ảnh, bởi lúc đọc, mỗi người có thể tự dệt riêng cho mình một cuốn phim ngoạn mục, ly kỳ.
Grenouille (**)– nhân vật quái dị nhất trong lịch sử văn học - mặc dù bản thân hắn từ lúc lọt lòng cho tới khi khôn lớn không hề có bất cứ mùi nào trên cơ thể, nhưng trời lại cho hắn một khứu giác cực kỳ tinh tế để có thể phân tích, ghi nhớ và tái hiện được tất cả mùi trên thế gian từ hiện thực cho tới tưởng tượng.
Thiên tài cũng là một con ác quỷ. Hắn chính là tên giết người hàng loạt mà nạn nhân là các thiếu nữ đương xuân.
Hắn giết các cô gái ấy làm gì?
Sau một quá trình mê đắm mùi hương, Con Ếch Độc (**) khám phá ra một bí mật đó là chính mùi từ da thịt con người mới là hấp dẫn và gợi cảm nhất.
Bằng thiên bẩm sẵn có và với kỷ thuật đặc biệt, hắn tinh chế rồi tổng hợp mùi của tất cả nạn nhân để tạo ra một thứ nước hoa siêu nhiên, loại dầu thơm thần thánh, mà chỉ cần rẩy vài giọt vào không khí thôi cũng đủ làm cả vạn người mê muội, say đắm rồi họ tự cởi bỏ áo xống để được yêu đương lẫn nhau giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề ngại ngùng, mắc cỡ.
Thế thì từ đâu, tên sát nhân này lại có ý tưởng kỳ quái đến thế ?
Trong phim, Grenouille đi theo cô bé bán mận như một định mệnh. Gã bị cuốn hút bởi hương trinh tiết của cô bé trộn lẫn với mùi trái mận chín vàng và rồi trong cơn hốt hoảng vì sợ người khác trông thấy, gã “vô tình” (chứ không “cố ý” như truyện) bóp ngạt làm chết cô bé.
Con Ếch Độc cố gắng gom giữ lại cái mùi thiêng liêng, kỳ ảo trên từng tấc da thịt cô bé với nỗi tuyệt vọng mênh mông và các nhà làm phim đã tô đậm sự bất lực này được để khán giả có thể rộng lượng hơn so với khi đọc truyện.
Tôi bái phục đạo diễn cùng nguyên ê-kíp sáng tác của ông cho thêm một chút lãng mạn, “vài gram” tình yêu vào nhân vật chính để anh chàng này không đến độ quá sức ghê tởm như trong văn học.
Trong phim - đoạn khủng khiếp, hoành tráng và thê lương nhất không phải là cảnh giết các cô gái hay cách trích lấy mùi từ người vừa mới chết mà là đại cảnh thương yêu với cả ngàn người trần trụi, say sưa trong cơn hoan lạc dưới ma lực của mùi hương kỳ quái.
Ở đại cảnh này, giữa những đôi trai gái yêu nhau, như vô tình, đạo diễn cho rổ mận vàng chín vàng của ai đó đánh rơi. Những trái mận căng mộng, vàng trong, thơm dịu lăn chậm theo từng bậc thang, nó gợi người xem nhớ đến cô bé bán mận ngày xưa - nạn nhân đầu tiên của Con Ếch Độc.
Đôi mắt Grenouille từ từ khép lại.
Máy quay cận sát trên khuôn mặt buồn mênh mông của gã.
Khi tất cả mọi người trên thế gian này yêu đương say đắm thì chỉ mỗi mình gã – người tạo ra “chất thương yêu” – lại trơ trọi, đơn độc, không mùi, vô vị. Hắn hầu như không tồn tại, không có thực giữa muôn người.
Hình ảnh đôi bàn tay thê lương của Grenouille cố gắng gom góp hương thơm còn đọng trên thân xác cô bé bán mận ngày trước được lặp đi lặp lại. Sự bất lực và vô vọng được nhìn suốt tận sâu cùng. Đó là cái mùi không giữ được, hương thơm mà hắn không thể tạo ra và đó cũng chính là tình yêu mà hắn không bao giờ có thể chạm tới.
Con Ếch Độc lang thang một mình trên đồi trọc khô cằn trong ánh sáng chập choạng của buổi hoàng hôn. Lời người kể chuyện chồng lên hình ảnh buồn tênh rằng hình phạt lớn nhất dành cho tên sát nhân khủng khiếp này là hắn không được yêu và không thể yêu bất kỳ ai trên cõi đời này.
...
Tôi có một tủ kính nhỏ, trong đó chưng mấy chai dầu thơm mà mình sưu tập được. Mỗi chai thường gắn với một kỷ niệm nào đó.
Với hình thù khác nhau, xinh xắn, trông chúng như những nhân vật kiêu hãnh với đầy cá tính. Chúng lung linh hơn trong ánh sáng vàng của hai bóng đèn nhỏ xíu.
Tôi nhớ câu nói của Tennessee Williams:
“Tôi bước qua những cửa hàng sáng trưng bày bán nước hoa. Trong tiệm, đầy những miếng thủy tinh đủ màu, những lọ nước hoa nhỏ xíu, trong suốt với những màu sắc dịu dàng thanh nhã, giống như những mảnh vụn của một chiếc cầu vòng vỡ nát...”
...Có lời hát đâu đó:
“Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa, nhưng không thật gần
Tình như đá, hoài những chờ mong
Tình vu vơ... sao ta muộn phiền...”(***)
...Nhưng tình là cái chi chi ?
(*) trích lời bài hát Pour que tu m’aimes encore
(**) Grenouille: tên nhân vật, đồng nghĩa với con ếch độc
(***) trích “Như một lời chia tay” của n.s Trịnh Công Sơn