Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Bước khởi đầu của KTS bậc thầy Le Corbusier

Bài: Th.s. KTS. Nguyễn Vũ Phương

Say mê nghề nghiệp, nắm vững các trường phái cổ điển, hiểu rõ Kiến trúc truyền thống địa phương là cơ sở cho sự nghiệp sáng tạo Kiến trúc Hiện đại của Le Corbusier.

Le Corbusier sinh năm 1887 tại thành phố La Chaux-de-Fonds (Thụy Sĩ), là người tiên phong của trào lưu Kiến trúc Hiện đại, là Kiến trúc sư có ảnh hưởng lớn nhất đối với Kiến trúc thế giới trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Những tác phẩm và cống hiến lớn lao của ông trong sự nghiệp kiến trúc đã đưa ông tới tầm cỡ quốc tế và trở thành một trong những người tiêu biểu nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Sự nghiệp sáng tác của ông có thể đúc kết qua hai giai đoạn: giai đoạn sau năm 1918 (post-Purist period) với các công trình tiêu biểu Villa Savoye và Pavillon Suisse theo nguyên tắc thiết kế được đúc kết trên 5 điểm chính (1920), và nó vẫn được tiếp tục trong giai đoạn sau (post-war period) với một loạt các công trình nổi tiếng đầy tính nghệ thuật như công trình Unité ở Marseilles, nhà thờ Ronchamp, trường dòng ở La Tourette, qui hoạch và thiết kế Chandigard. Mặc dù hai thời kỳ dường như có một sự phân cách, nhưng nó được hình thành và phát triển một cách xuyên suốt trên cơ sở của bước khởi đầu mà ít người biết tới khi ông còn ở La Chaux-de-Fonds (1904 – 1916) với cái tên Charles Edouad Jeanneret.

Với sự nghiên cứu công phu được trình bày trong cuốn sách The Early Villas in La Chaux-de-Fonds xuất bản năm 1987 (nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của Le Corbusier) cùng với nhiều tài liệu, các bản vẽ, ảnh, cùng với các bức ký họa của Le Corbusier và sự phân tích nhận xét kỹ lưỡng trên từng công trình, Geoffrey Baker đã cho chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời cũng như quá trình đầu tranh và sáng tạo không mệt mỏi của Le Corbusier cho việc tạo nên một ngôn ngữ Kiến trúc mới.

Khởi đầu từ một trường nghệ thuật ở thành phố quê hương mình, Jeanneret với ý định ban đầu là sẽ trở thành một nghệ nhân sản xuất đồng hồ. Trong quá trình học Jeanneret đã chịu ảnh hưởng sâu sắt của thầy giáo L. Eplattenier, người đã truyền đạt các kiến thức nghệ thuật và chính điều đó đã hướng ông tới Kiến trúc. Hai chìa khóa quan trọng là Ngôn ngữ trang trí của Owen Jones  và Phương pháp tổ hợp trang trí của grasset, tiếp thu được ở thầy đã được Jeanneret mô phỏng lại nhiều lần trong các bài tập trang trí. Ông say sưa với lịch sử trang trí, luôn luôn khảo sát thực tế, phát thảo lại các cấu trúc ẩn dấu sau cái vỏ ngoài với nhịp điệu của nó, ghi chép nhanh các điểm chính nhiều khi chỉ là trên một mảnh giấy bằng cái tem thư. Ông thường diễn họa một chi tiết hay một chủ đề qua các phối cảnh với góc độ khác nhau. Phong cách vẽ của ông luôn thay đổi tùy theo khung cảnh được tạo nên, thông qua cấu trúc đã được phân tích, đôi khi diễn họa thật chính xác hoặc chỉ phát họa qua, với bút pháp mạnh mẽ, mạch lạc có tác dụng tìm hiểu sự việc để nâng cao kiến thức. Ngay từ đầu dường như ông đã đi theo Chủ nghĩa duy lý, tin tưởng vào quy luật, các lý thuyết mang tính quy tắc của Ruskin, Jones, và Grasset (thế kỷ XIX) nhưng được ông chắc lọc và phát triển để hình thành nên phong cách riêng của mình.

Năm 1905 Jeanneret đã được thầy giáo L. Eplattenier tin tưởng giao cho thiết kế một biệt thự (Villa Fallet). Ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết kế mang phong cách Kiến trúc địa phương miền nam nước Pháp, được tạo ra theo cách trừu tượng hóa thiên nhiên mà ông đã được học trên lớp, kết quả đạt được là quá sức tưởng tượng của mọi người bởi khi đó ông mới vừa tròn 17 tuổi. Sau này ông đã khiêm tốn nói về việc đó như sau: “Từ khi mới 17 tuổi tôi đã có may mắn được mời thiết kế, xây dựng một biệt thự mà không một điều kiện ràng buộc nào. Ở tuổi 18, 19 khi xây dựng ngôi nhà đó tôi đã quan tâm rất nhiều tới các chi tiết... cũng là lẽ bình thường. Có thể công trình còn có nhiều khiếm khuyết, nhưng nó cũng là trào lưu chung của Kiến trúc thời bấy giờ”.

Ba biệt thự đầu tiên Villa Fallet, Villa Stotzer và Villa Jacquemet của Jeanneret được thiết kế dựa trên nguyên tắc cổ điển với cùng một tư duy và có nhiều điểm tương đồng- chúng đều được đặt trên một nền tảng được xây từ những khối đá nhám thô, phủ lên một cái mái lớn đầy ấn tượng chém vát ở đầu hồi mang dáng dấp kiến trúc địa phương. Thiết kế dựa trên một trục chủ đạo theo hướng Bắc Nam và có hai mặt đứng chính đối xứng nhau.

Năm 20 tuổi (1907), ông bắt đầu một chuyến du học qua nhiều nước như Ý, Pháp, Đức... Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nhận thức của ông, bởi ông đã học được nhiều điều qua chuyến đi này. ở Ý và Pháp, lần đầu tiên nhìn thấy những kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật, ông say sưa ký họa và vẽ lại các chi tiết của nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là những chi tiết kiến trúc thới Tiền Phục Hưng. Qua nghiên cứu ông xác nhận rằng, các nguyên tắc mang tính lý thuyết của các công trình nổi tiếng, được áp dụng theo một cấu trúc logic, phát triển từ hình học cơ bản, đồng thời ông phát hiện về khả năng xuất hiện các công nghệ mới trong kỹ thuật xây dựng.

Sang Đức, Jeanneret đã học được rất nhiều, đặc biệt là quan điểm theo lối thiết kế công nghiệp. Qua khảo cứu, ông nhận định rằng Chủ nghĩa duy lý trong kiến trúc Đức thiếu cảm xúc, không có sự cảm nhận như ở các công trình mà ông đã thấy tại Ý. Ông tin tưởng một điều rằng ngôn ngữ kiến trúc mới sẽ có thể tìm thấy khi hiểu rõ các công trình vĩ đại được xây dựng trong các đô thị cổ ở phía đông vùng Địa Trung Hải. Vì vậy ông quyết định tiếp tục cuộc hành trình sang phía đông tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đền thờ Parthenon (Hy Lạp), và các nhà thờ Hồi giáo (Thổ Nhĩ Kỳ) ông hiểu được các nguyên tắc kiến trúc cơ bản đó là: hình thức kiến trúc của công trình phải phù hợp với từng vị trí, cảnh quan cụ thể, hình thái không gian được tạo thành dựa trên các nguyên tắc tổ hợp hình học cơ bản theo các trục, và hiệu qủa ánh sáng. Ông tin rằng sản phẩm do con người tạo ra sẽ thật tuyệt vời khi nó phản chiếu sự hài hòa khả năng giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ. Hành trình sang phía đông là bước tiến quan trọng cũng cố các quan điểm, nhận biết các nhân tố chính chắp cánh cho tư duy thiết kế của Jeanneret.

Ông đã có biến đổi lớn trong tư duy sáng tác, khi thiết kế cho bố mình Villa Jeanneret – 1912 và sau đó là Villa Favre – 1912. Ở các công trình này ông sử dụng các khối hình học cần thiết trong sáng, quan tâm hơn tới sự biến đổi không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà, kiểm soát chúng theo chiều chuyển động, cách tạo không gian và tiếp cận tới công trình, đó là những điều ông học được ở Acropolis. Ông đã sử dụng không gian ở tầng trệt ở Villa Jeanneret một cách linh hoạt, tạo ra không gian mở, bằng cách sử dụng bốn cột bê tông cốt thép để đỡ các tấm sàn bê tông – đó chính là tiền đề cho các nguyên tắc thiết kế của ông những năm 20. Hiệu qủa ánh sáng và sự phối hợp giữa không gian theo phương ngang và đứng học được từ tòa giáo đường Constantinople đã giúp ông trong khi thiết kế Villa Schwob – 1916 mà chúng ta có thể quan sát qua những đường nét và hình khối của ngôi nhà. Ông thôi không tư duy theo lý thuyết của Ruskin trong việc xử lý các chi tiết và chú trọng tới mặt đứng. Với ý tưởng mới: lấy không gian bên trong làm cơ sở để tạo nên không gian bên ngoài, ông đã giải quyết các mối quan hệ không gian một cách khéo léo hơn, ở đây hình thức thể hiện công năng chính là cơ sở của chủ nghĩa công năng cho các sáng tạo sau này của ông.

Năm 1918 sau khi hoàn thành biệt thự Villa Schwob, Jeanneret đã quyết định rời thành phố La Chaux-de- Fonds để tới Paris, kết thúc quãng đời học tập của mình. Tại đây, ông đã hợp tác với Amedee Ozenfant và quyết định hướng đi cho mình trong những thập kỷ sau, kể từ đây sự nghiệp sáng tác của ông đã bước sang một trang mới...