Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Hoang vắng cầu xưa

Tạp bút của Nguyễn Hàng Tình

Những tháng ngày rong ruổi, khi thì leo đèo Sông Pha trên quốc lộ 27 trong mù sương ban mai, lúc vượt đèo Bảo Lộc trên quốc lộ 20 trong khói núi chiều tà, hoặc lướt trên trên quốc lộ 14 trong nắng và gió mùa khô cao nguyên, tôi hay dừng lại trước những cây cầu xưa cũ hoang vắng. Đã ngắm nhìn bao lần, chụp biết bao hình ảnh những cây cầu ấy nhưng chẳng hiểu sao cảm xúc nơi tôi vẫn cứ tươi mới. Như thể gặp lại “người quen”, chụp vài tấm ảnh thay lời chào thăm hỏi vậy.

Có cây cầu hoang phế vì một phần đã bị lửa đạn chiến tranh năm xưa hủy hoại, có cây cầu không sử dụng nữa vì đường qua cầu đã được nắn thành lối khác. Lại có cây cầu trở thành thừa vì được thay bằng những cây cầu đàng hoàng  hơn, vững chảy hơn, to rộng hơn, chịu tải trọng nhiều hơn.

Lần giở lại lịch sử, khi người Pháp đến Tây nguyên, những “con đường muối” nhỏ nhoi ẩn hiện giữa núi rừng để  người cao nguyên đi về duyên hải đã dần dà tự hủy, thay thế chúng là những con đường nhựa rộng rãi đi cùng những cây cầu kiên cố. Suốt các thập niên 1910, 1920, 1930 người Pháp tập trung mở đường, làm đường lên Tây nguyên để khai phá và khai thác tài nguyên, những con đường và những cây cầu lần lược ra đời. Từ thượng nguồn đại ngàn chảy về xuôi là sông Pha, sông Dinh, sông Sêrêpôk…, là suối Da Lao, Da Quay, Da Mbri…,chính những cây cầu xưa cũ thời Pháp bắt qua chúng đã giúp nối liền cao nguyên với đồng bằng.

Song song với việc hình thành đường và cầu cũng là lúc “miền đất huyền ảo”, như cách gọi của Dambo – một trong số vài nhà Tây nguyên học đầu tiên, bắt đầu rạn vỡ. Núi rừng thành đồn điền, sở trại, nền văn minh nương rẫy chuyển sang nền văn minh cây công nghiệp, làng bản thành thị tứ…Bao lớp người Việt lao khổ vùng Nam – Ngãi – Bình – Phú (Quãng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) bị cưỡng bách đi làm cu li cầu đường vào những thập niên đầu thế kỷ trước. Những làng ấp người Việt lưu lạc theo đời  người phu mở đường, làm cầu buổi nào hiện vẫn còn lưu dấu ở gần các cầu Song Pha, Dran, Phát Chi, Trạm Hành trên quốc lộ 27, B’lao Sere’, Đại Lào, Nam Nhi trên quốc lộ 20, cầu 14 (bắt qua sông Sêrêpôk, cách TP Buôn Mê Thuộc 14km) trên quốc lộ 14…Bao phu cầu đường đã chết theo cây cầu ấy. những nấm mộ người Việt đầu tiên ở Tây nguyên là nơi chôn vùi thân xác những phu đường, phu cầu rồi phu đồn điền càphê, cao su, nông trại cây trái…của thực dân Pháp.

Ngày nay có rất nhiều cầu mới, bề thế bắt ngang qua sông suối trên các tuyến quốc lộ Tây nguyên nhưng làm sao lãng quên được những cây cầu “thuộc địa” năm xưa.

Điều đáng nói là những cây cầu có tuổi thọ cả thế kỷ ấy theo thời gian lại có hình dạng như những tác phẩm nghệ thuật. Cầu Da Quay gần trang trại Nam Nhi trên quốc lộ 20 được thiết kế trông như ngôi nhà bằng bêtông cho người trú ngụ chứ không chỉ cho xe cộ qua lại. Một số cầu khác cũng được chăm chút đến từng đường cong, từng vài, từng nhịp…trông thật chắc chắn và thẩm mỹ, dù chúng được xây dựng vào thời nguyên vật liệu không dồi dào như hiện nay, điều kiện thi công lại rất khó khăn.

Những cây cầu của quá khứ đó ngày nay không còn giá trị sử dụng nhưng chúng không (hay chưa?) bị phá đi, cứ bỏ hoang theo tháng năm. Dường như sự hoang phế càng khiến những cây cầu trở nên trầm tư hơn. Và nhiều cây cầu đang có một đời sống khác: là nơi chạy lũ mùa mưa bão, nơi phơi phóng nông sản của người dân hai bên cầu, cũng là nơi trẻ nhỏ tập xe đạp, học bài, nơi hẹn hò và thi thoảng có những lứa đôi chụp ảnh ngày cưới, hay đơn giản chỉ là nơi để ngắm dòng nước đang tuôn chảy miên man dưới chân cầu…