Bài: PGS.PTS Nguyễn Bá Đang - Viện nghiên cứu kiến trúc
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh theo hướng XHCN, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước… Trong thời gian qua, với sự đổi mới từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, với sự mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài và phát huy nội lực, nền kinh tế đất nước được phát triển, bộ mặt kiến trúc đô thị đang thay đổi hằng ngày, điển hình là ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghệ thuật kiến trúc của các công trình đã và đang dựng lên, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. làm sao cho các công trình kiến trúc hiện đại Việt Nam thể hiện đượ bản sắc dân tộc? Bản sắc dân tộc trong kiến trúc cụ thể hóa ra sao? Kiến trúc Việt Nam từ trước đến giờ có bản sắc không ? … Rất nhiều vấn đề đã được nêu ra, được bàn luận trong giới kiến trúc…
Trước hết xin nói về bản sắc kiến trúc dân tộc: kiến trúc là một bộ phận của văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc theo định nghĩa của UNESCO: “ Tổng thể sống động các hoạt động sang tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diển ra trong hiện tại. Qua hang thế kỷ, các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm mỹ và lối sáng mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình” (1)
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những kiến trúc truyền thống với những nét đặc trưng riêng của mình. Nét đặc trưng đó được thể hiện trong bố cục không gian kiến trúc, trong việc sử dụng vật liệu đệ tạo nên công trình kiến trúc với trình độ khoa học, tư duy thẩm mỹ; bằng công cụ và bàn tay khéo léo của mình. Những nét đặc trưng đó toát lên từ tỷ lệ hình khối, kết cấu đến các thành phần chi tiết, các hoa văn trang trí, mầu sắc nội ngoại thất công trình. Và chính từ những yếu tố đó, công trình trở thành tiêu biểu, dấu ấn của thời đại, phản ánh các đặc thù về kinh tế, chính trị xã hội… của dân tộc theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
Sự hình thành bản sắc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam
Cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, mầm mống của sự tạo ra các không gian ở của con người có thể nói cũng đã bắt đầu từ 4000 năm nay và lịch sử kiến trúc Việt Nam được tính từ thời kỳ khởi dựng đất nước, thời kỳ Vua Hùng (trước 207 trước công nguyên) với nền văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, hay còn gọi là nền văn minh lúa nước, với trình độ kỹ thuật đúc đồng nổi tiếng – thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Thời kỳ này, qua các di tích khảo cổ, đặc biệt là trên mặt trống đồng Ngọc Lũ còn ghi lại nét sinh hoạt thời xưa và những kiểu loại nhà sàn. Đó là những kiến trúc truyền thống lâu đời, phù hợp với môi trường thiên nhiên của đất nước, phù hợp với khí hậu vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Tiếp theo là thời Bắc thuộc (từ 207 đến 906 trước công nguyên). Hàng nghìn năm dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, với âm mưu đồng hóa và ấp đặt; song nền văn hóa dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn chắc chắn đã có sự đổi mới để phát triển. Những di sản kiến trúc trên mặt đất từ thế kỳ x trở về trước đến nay không còn; chỉ còn lại một số di tích dưới long đất. Đó là những ngôi mộ thời Hán, các di tích khảo cổ này nói lên kỹ thuật xây dựng cổ truyền Hán Việt trên đất việt nam thể hiện qua những viên gạch nung có hoa văn xây trong mộ cổ, cũng như kỹ thuật xây mộ.
Dấu ấn rõ nét nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam còn để lại cho đến ngày nay phải kể từ đời Lý (XI – XVI), Trần (XIII – XIV), Hồ (XV), Lê (XV – XVI), Tây Sơn (XVIII), Nguyễn (XIX). Trong đó, các di sản kiến trúc tô giáo tính ngưỡng khởi dựng từ đời Lý, Trần đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu tôn tạo và hầu như không còn đúng với trạng thái ban đầu. Ngay các di tích thời Nguyễn gần đây nhất, trải qua trên 100 năm với những biến động lịch sử, do chiến tranh, khí hậu nóng ẩm, do sự xuống cấp, nhiều công trình và tổng thể công trình cũng trong trình trạng không còn nguyên vẹn, Song thể loại còn lại cũng đa dạng phong phúhơn là ở các triều đại khác.
Trong gần 1000 năm độc lập phát triển, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, kiến trúc truyền thống Việt Nam có những đặc điểm sau:
- Đô thị: đã hình thành được một số các đô thị cổ. Trong đô thị cổ có thành cổ (nơi vua quan và binh lính ở), khu thị dân, chợ và hệ thống các công trình tôn giáo tính ngưỡng. Đô thị được hình thành theo thuật phong thủy; cụ thể dựa vào địa hình thiên nhiên và mối quan hệ thiên – địa – nhân. Các phố phường trong đô thị được hình thành và sự quản lý phố phường không khác gì ở các làng xã. Ngăn giữa các phố phường là các cổng ngõ – kiến trúc nhà ở buôn bán là các nhà hình ống. chủ yếu là 1 tầng và một tầng có kèm gác lửng, hạ tầng kỹ thuật đô thị rất sơ lược. các khu phố cổ trong đô thị Việt Nam còn đến nay là dấu ấn của các khu thị dân đô thị cổ.
- Kiến trúc công trình từ cung điện đến kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống… đều có chung một đặc điểm là cấu trúc theo gian trên cơ sở của một hệ khung kết cấu gỗ chịu lực. kích thước không gian của nhà vừa đủ cho sử dụng và phù hợp với tỷ lệ kích thước hoạt động của người Việt Nam.
Sự khác nhau về kiến trúc truyền thống qua các triều đại là ở cấu trúc của các thể loại vì kèo, kẻ hiên, độ cong của mái và kỹ thuật, nghệ thuật thể hiện các hoa văn trang trí trên các thành phần kiến trúc truyền thống.
-Từ tổng thể đến công trình kiến trúc đều không có bản vẽ thiết kế trước khi xây dựng, phần lớn làm theo kinh nghiệm truyền khẩu – dựa trên thước tầm.
- Công trình được xây dựng bằng vật liệu địa phương.
Từ những tổng thể công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam; nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc Việt Nam đều thấy thống nhất những nhận định về bản sắc dân tộc sau:
- Việt Nam là một quốc gia nhiều dân tộc gồm 54 dân tộc, dân tộc Kinh là chủ đạo, chiếm 87,1%; kiến trúc truyền thống của dân tộc Kinh là tiêu biểu cho cả nước và cho các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị vùng đồng bằng miền biển.
Bên cạnh kiến trúc truyền thống của dân tộc kinh, kiến trúc dân gian của các dân tộc khác ở Việt Nam cũng là bản sắc riêng của từng địa phương. Tính bảo lưu của đặc trưng kiến trúc truyền thống có tính bền vững hơn. Trong các kiến trúc truyền thống của các dân tộc có:
- Kiến trúc Chàm với các tháp Chàm – di tích của nền văn hóa Chăm – pa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa cổ trung đại Ấn Độ. Nghệ thuật kiến trúc tháp Chàmlà nghệ thuật của kiến trúc xây bằng gạch với kỹ thuật và nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu của miền Trung đất nước.
- Kiến trúc Khơ – me tiêu biểu của miền Đông Nam Bộ, kiến trúc đồng bào các dân tộc Tây nguyên tiêu biểu cho khu vực miền Nam Trung Bộ.
- Kiến trúc Mường tiêu biểu cho vùng Hòa Bình, kiến trúc Thái vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ và kiến trúc đồng bào Tày Nùng tiêu biểu cjo vùng Đông Bắc…
Kiến trúc dân tộc Kinh tiêu biểu cho cả nước vời các bản sắc sau:
1. Kiến trúc có ý đồ bố cục, có tính biểu tượng, ẩn dụ, hàm súc, có hình tượng nghệ thuật, từ nội dụng đến hình thái chứa đựng tính triết lý ( triết học phuơng Đông) nghệ thuật thâm trầm, tế nhị, kín đáo nhưng sâu lắng và thâm thúy trí tuệ.
2. Kiến trúc xinh xắn, dàn trải, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, không gian và hình khối kiến trúc như là một yếu tố hữu cơ của cảnh quan thiên nhiên. (Tháp chùa Phật tuy nhiều tầng nhưng cũng bé nhỏ, điểm xuyết cho không gian).
3. Không gian sử dụng linh hoạt, đa năng, dể dàng biến đổi thích ứng cho các điều kiện sinh hoạt, hoạt động trong không gian kiến trúc. Có sự kết hợp khéo léo 3 loại không gian: không gian kín, không gian bán kín, bán hở, và không gian hở.
4. Tỷ lệ không gian rất gần gũi, gắn bó với hoạt động của con người. Tỷ lệ giửa các bộ phận công trình hài hòa, thống nhất.
5. Kiến trúc sử dụng điêu khắc, chạm khắc màu sắc như một yếu tố phụ trợtích cực tăng tính nghệ thuật cho ông trình, mặt khác là phương tiện diển đạt ý nghĩa biểu trưng, cái thần của công trình, như sử dụng các hoa văn ( động vật quý, cây cối hoa lá…) đầy ý nghĩa tượng trưng
6. Tính hợp lý của kết cấu, tính đơn giản, thống nhất tính điển hình và tính tiêu chuẩn thấy rõ trong bộ khung gỗchịu lực của công trình.
7. Về ngoại hình của kiến trúc truyền thống Việt nam đầu là loại có mái dốc thẳng – đấu dốc mái có loại uốn cong với các trang trí trên dốc mái, trên góc mái phong phú – có loại hai đầu hồi thẳng mái che cho than nhà – than nhà là hệ cột khung với hang hiên.
Đặc điểm kiến trúc Việt Nam thời cận đại (1858 – 1945) – bước đầu đổi mới bản sắc và hình thành những truyền thống mới:
Ở thời kỳ này, song song với sự bành trướng của CNTB châu Âu sang vùng Đông Nam Á, kèm theo đó là sự xâm nhập của kiến trúc phương Tây. Việt Nam cũng ở trong bối cảnh như vậy, cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, kiến trúc Việt Nam đã có bước ngoặt lớn.
Các đô thị cổ được hình thành từ thời nhà Nguyễn và trước đó đã được cải tạo theo các kiểu đô thị phương Tây. Các đường phố được nắn thẳng, tạo mạng lưới đường theo kiểu ô cờ, hạ tầng kỷ thuật đường phố được hoàn thiện, đường phố rộng hơn trước, có hè dành cho người đi bộ, đường phố có cây xanh, có đèn đường, cống rãnh thoát nước và cấp nước… Trên các đường phố là các thể loại công trình kiến trúc: nhà ở, nhà hang, công sở và các công trình phục vụ công cộng đời sống, nhà máy… kiến trúc phong phú về thể loại và hình thức mà trước đây chưa hề có.
Bên cạnh các kiến trúc cổ, tân cổ điển, kiến trúc địa phương Pháp được thực hiện mang tính áp đặt chủ yếu chủ yếu do các viên toàn quyền và chủ đầu tư – Tư bản Pháp chỉ đạo, các kiến trúc truyền thống Việt Nam vẫn tồn tại và đổi mới trên cơ sơ tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc Tây Phương với kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự đổi mới đó diển ra một cách từ từ.
Đối với công trình 1 tầng: sự đổi mới của kiến trúc truyền thống được bắt đầu từ hình thức bên ngoài công trình. Cấu trúc bên trong nhà vẫn theo hệ thống gian với vì kèo gỗ cổ truyền; tường vây bên ngoài xây bằng gạch với các hình thức sử dụng các hệ cột phương Tây; bên trên kết thúc bằng tường hoa chắn mái. Trên đó sử dụng các trang trí kiểu Châu Âu. Cửa theo kiểu cửa panô; sau đó là cửa 2 lớp; kính, chớp.
Sự xây dựng nhà 2,3 tầng đã đòi hỏi phải áp dụng các kết cấu cột, dầm, sàn bằng vật liệu bền vững hơn. Cột gạch, dầm thép, sàn gạch rỗng, hoặc vỉa gạch trên hệ thống dầm gỗ lim hay thép (thay cho cột, dầm sàn gỗ của kiến trúc truyền thống) – Hình thức bên ngoài hoàn toàn theo ngôn ngữ kiến trúc Phương Tây song sử dụng các hoa văn trang trí dân tộc (chữ triện…) Sử dụng mái ngói Tây (gần 10 loại khác nhau cho mái).
Việc sử dụng sắt, thép, xi măng, bê tông cốt thép với kỹ thuật tính toán khả năng chịu lực kết cấu nhà từ phương Tây mang đến đã tạo điều kiện cho kiến trúc Việt Nam phát triển mạnh và có cơ sở khoa học.
Xu hướng kiến trúc với kết cấu, cấu tạo các bộ phận tạo điều kiện cho việc hình thành không gian khắc phục được những bất lợi của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã được phát triển, tạo ra những bản sắc mới trong kiến trúc ở Việt Nam vào những thập kỷ 30-40, đó là khuynh hướng “kiến trúc Đông Dương”. Nét đặc biệt của các công trình này là việc sử dụng các hệ mái với con sơn đỡ mái để che nóc nhà, nhà có tầng hầm để thong thoáng chống ẩm, sử dụng cửa 2 lớp: kính, chớp… phóng áp mái có trần nhà, không gian dưới mái chỉ là để chống nóng có cửa thoát khí… Tất cả những khía cạnh nêu trên bắt nguồn từ các nhà dân gian truyền thống cùng kết hợp với các kinh nghiệm chống nắng nóng trong kiến trúc của các nước.
Tỷ lệ không gian kiến trúc công trình đáp ứng nhu cầu sử dụng tốt độ cao phòng vừa đủ đảm bảovề khối tích không khí, đảm bảo thoáng mát, đảm bảo thẩm mỹ. Xử lý kiến trúc mặt đứng trên nguyên tắc của phong cách kiến trúc Tân cổ điển Châu Âu. Song sự xuất hiện các yếu tố thông hơi thoáng gió ở trên, dưới cửa sổ, cái mái hiên che, cùng các ban công, lô gia, sử dụng các hoa văn trang trí dân tộc… đó chính là tạo ra những truyền thống mới, bản sắc mới.
Đặc điểm của kiến trúc Việt Nam thời hiện đại từ 1945 đến nay.
Trong giai đoạn này kiến trúc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển của những truyền thống kiến trúc ở giai đoạn trước, nhưng sự thể hiện ở 2 miền có khác nhau.
Ở phía Bắc, do chính sách tiết kiệm; tiêu chuẩn trong kiến trúc xây dựng có hạn hẹp đã phần nào ảnh hướng đến khai thác đặc trưng và tìm tòi sáng tạo trong mọi lĩnh vực tạo ra những tiện nghi thuận lợi nhất cho môi trường sống, làm việc.
Kiến trúc thực hiện theo phương châm “thích dụng, bền vững, kinh tế, mỹ quan trong điều kiện có thể”. Song thích dụng ở đây cũng chỉ đạt tới mức tối thiểu và mỹ quan thực sự chưa được chú trọng – bệnh sơ lược nghèo nàn trong hình thức và đơn điệu tổng thể là điều không thể tránh khỏi. Chủ nghĩa tập thể được đề cao trong kiến trúc, không có khái niệm nhà ổ chuột trong những đô thị phía Bắc trước 1975.
Ở phía Nam – kiến trúc kế thừa phát huy được các giá trị sẳn có từ trước – hình thức kiến trúc nhanh nhẹ, chú trọng trang trí nội ngoại thất, các biện pháp chắn nắng, thông thoáng – kiến trúc theo phong cách hiện đại chung chung là đặc trưng; chủ nghĩa cá nhân, tính muôn hình muôn vẻ được thể hiện trong kiến trúc – sự tương phản về kiến trúc trong đô thị thấy rõ rệt: Đó là những khu nhà ổ chuột của dân nghèo, dân di cư, dọc các kênh, mương, với các nhà lầu, dinh thự của các tầng lớp giầu có trong đô thị (trước 1975).
Đặc điểm kiến trúc Việt Nam từ 1980 đến nay – Bước đầu của sự hòa nhập quốc tế:
Đây là thời kỳ của nền kinh tế thị trường, thời kỳ mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài. TRong thời kỳ này kinh tế ở một số đô thị lớn được phát triển, nhà ở do dân tự xây dựng rất đa dạng, công trình do nước ngoài đầu tư với vi mô to lớn và đa phong cách.
Kiến trúc có nhiều khuynh hướng khác nhau:
- Khuynh hướng phục cổ, nhái cổ… sử dụng các thức cột cổ điển Châu Âu, hoa văn trang trí, ban công bụng chửa…(trong kiến trúc nhà dân tự xây).
- Khuynh hướng hiện đại: Tìm cái đẹp trong tạo khối hình và sử dụng sự tương phản hình, khối; đặc rỗng; sử dụng các mảng tường kính (kính phản quang, kính màu…) với cửa nhôm. Sử dụng hệ thống điều hòa nhân tạo. Các cửa chớp, cửa gỗ pa nô, hệ thống tắm chắn nắng thịnh hành ở các giai đoạn trước nay thấy vắng mặt trong các công trình hiện đại.
- Khuynh hướng Hậu hiện đại tiếp tục của khuynh hướng hiện đại; song nặng về giải quyết hình khối, tổng thể; sử dụng một số mô típ điển hình của kiến trúc truyền thống cũ, tạo mối liên hệ với truyền thống, với lịch sử. Tạo mối liên hệ không gian trong, ngoài.
- Quy mô nổi trội của các công trình kiến trúc do đầu tư nước ngoài vào các thể loại khách sạn, văn phòng, ngân hang, siêu thị trong tổng thể kiến trúc đô thị hiện có, tạo ra những sắc thái mới trong kiến trúc đô thị.
- Kiến trúc ở đô thị Việt Nam trong hơn thập kỷ qua thể hiện rất rõ tính tính hòa đồng hội nhập quốc tế - thể hiện sự đa dạng hóa và vai trò cá nhân trong sáng taô nghệ thuật kiến trúc đã được khích lệ.
Trong số các công trình lớn đã được xây dựng; đặc biệt các công trình đầu tư nước ngoài đã có sự phối hợp giữa KTS Việt Nam với KTS các nước – Có sự chỉ đạo chuyên môn của của Hội đồng kiến trúc thành phố và của văn phòng KTS Trưởng thành phố (đối với Hà Nội và PT. Hồ Chí Minh). Các công trình đã chú ý để hòa nhập với cảnh quan khu vực, mỗi công trình đều có sắc thái riêng, góp phần làm phong phú cho ngôn ngữ kiến trúc trong đô thị Việt Nam. Đó Là những yếu tố mới, do vậy không khỏi gây nhiều ý kiến tranh luận về quy mô, độ cao, hình thức, về sự hòa nhập cảnh quan, về bản sắc kiến trúc.
Rất rõ ràng những bản sắc truyền thống kiến trúc Việt Nam đang đổi mới – sự đổi mới cần được cổ vũ. Song cũng cần được bình luận để tiếp thu phát triển những mặt tích cực, hạn chế những vấn đề chưa phù hợp, để tạo ra những truyền thống mới cho giai đoạn hiện nay của kiến trúc hiện đại Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hòa nhập quốc tế mà vẫn phát huy được bản sắc dân tộc.