Văn Phòng Kiến Trúc Sư Trần Bình

Tiến tới một bộ lịch sử kiến trúc Việt Nam

Bài:KTS Ngô Huy Giao
Trích báo Nhân Dân ngày 11-7-1982

Nếu như lịch sử đất nước, lịch sử các triều đại, lịch sử văn hóa…qua nhiều giai đoạn khác nhau đều được ghi chép, biên soạn thành nhiều tác phẩm có giá trị cao, nhiều tài liệu được lưu trữ cẩn thận từ đời trước truyền lại cho đời sau, thì kiến trúc như mới chỉ là lần đầu. Tư liệu rải rác khắp nơi, những công trình nằm giữa không gian “bền gan cùng tuế nguyệt” hay chìm sâu trong các ngăn tủ kín đáo cửa từng gia đình.

Khi con người thoát khỏi đời sống mông muội, bắt đầu chiếm lĩnh thiên nhiên, thì một trong những việc trước tiên là tạo tác ngôi nhà ở của mình, rồi tiếp đó là các công trình dành cho các sinh hoạt xã hội khác, các công trình bảo vệ…Vì vậy kiến trúc gắn liền với đời sống, kiến trú phản ánh phương thức sản xuất của cải vật chất, quan hệ xã hội, thể hiện sâu sắc tâm hồn dân tộc, đời sống văn hóa tình cảm. Cho nên có nhà văn còn hiểu kiến trúc một cách rất thơ: kiến trúc là mâm cơm sum họp, là bếp lửa gia đình, là thủ thỉ tình yêu, là hạnh phúc con người.

Trên dải đất có rừng, có đồng bằng, có biển, có khí hậu thay đổi bốn mùa, với hang mấy chục dân tộc cùng chung sống lâu đời, văn hóa phong phú nhưng chung một cội ngồn. Bốn ngàn năm lịch sử rạng rỡ truyền thống văn hiến, vượt lên những thử thách của thiên nhiên, tạo cho mình môi trường sinh sống với nền kiến trúc thích ứng để tồn tại và sinh sôi nảy nở.

Ngôi nhà sàn nhỏ bé ra đời từ văn hóa Đông Sơn (hay trước nữa) nay vẫn còn rất đậm nét ở nhiều vùng miền núi với nhiều dáng vẻ. Đơn vị cơ bản không dùng thước tấc, mà dùng cánh tay, sải tay, chiều cao thân người, phải chăng là một phương pháp tỷ lệ. Tưởng là thô sơ, nhưng kỳ diệu thay, Lơ Coóc-buy-đi-ê, nhà kiến trúc hiện đại lỗi lạc của nước Pháp, lại nổi tiếng về những thông số cơ bản của kiến trúc xuất phát từ thân thể con người.

Quá trình xuất hiện ngôi nhà sàn để rồi mất đi ở từng vùng và cũng phát triển ở từng vùng đất nước vẫn đang còn đặt ra nhiều giả thiết.

Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nhưng nắng cũng lắm, là tiền đề của nền kiến trúc mở, kiến trúc độc đáo nhiệt đới, khác hẳn với kiến trúc phương Tây. Tận dụng địa hình, cây xanh, mặt nước, kiến trúc như chỉ là bộ phận đột khởi của thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên, là những nét cơ bản tạo nên tính cách Việt Nam, mang truyền thống lâu đời mà ngày nay, thế hệ chúng ta với khoa học hiện đại, phải nhận thức sâu sắc để không lặp lại các mái cong nặng nề, bề thế ở ngã tư đường phố, mà để phát huy tính truyền thống trong kiến trúc hiện đại. Thiên nhiên, con người và kiến trúc Viết Nam là những yếu tố không thể tách rời.
                        Nào mấy độ sao dời, vật đổi
                        Nào vương cung, đế miếu nơi nao…

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã nói lên điều ngậm ngùi của chúng ta ngày nay, trước những di sản kiến trúc huy hoàng nhưng chỉ còn được ghi lại vài ba dòng trên trang giấy đã ố mờ.

Khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh phong kiến, chiến tranh xâm lược tàn phá những công trình kiến trúc từng làm rạng rỡ văn minh Đại Việt, nhưng còn lại đến nay có là bao. Cho nên càng là quý giá, để nghiên cứu, để đánh giá rút ra bài học từ truyền thống từ vật liệu rất đỗi thô sơ, tre, gỗ, đất nung…với chiếc “thước tầm” kỳ diệu với tài năng sáng tạo của nghệ nhân, mà dù khác nhau xa vời, vẫn có sợi dây nối liền kiến trúc dân gian, tôn giáo, cung đình.

Không tí các nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây, khi nói đến kiến trúc Việt Nam, họ ca ngợi, nhưng để rồi lại nhận định một cách mơ hồ: kiến trúc Hán Việt. Quả thật, láng giềng với Trung Quốc, một nước rộng lớn, văn hóa sớm phát triển, lại từng nhiều phen thống trị, với âm mưu thủ tiêu văn hóa Việt Nam, kiến trúc Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng, nhưng tự hào là vẫn đứng vững một mình. Bản sắc dân tộc, đặc thù Việt Nam, ảnh hưởng qua lại…cần minh chứng để sáng tỏ lời Ngô Thì Nhậm xưa: “Đừng có tưởng nước mình kém hoa phong”. Lịch sử đã ghi nhận Nguyễn An nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam, thế kỷ 15, bị quân Minh bắt sang Trung Quốc, từng là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng ở Cố Cung, ở Di Hòa Viên…(Bắc Kinh) còn lại đến ngày nay như niềm tự hào của sức sáng tạo lao động Trung Quốc. Giới thiệu đầy đủ có luận cứ khoa học kiến trúc Việt Nam là đáp ứng mong đợi của nhiều người. Đâu phải ngẫu nhiên mà cơ quan văn hóa, giáo dục Liên hợp quốc đặt biệt quan tâm đến kinh thành Huế, đến những tháp Chăm.

Kiến trúc làm cho sông núi có hồn, sông núi tô thêm vẻ đẹp cho kiến trúc. Dù cho có hiện đại nhều lần hơn cuộc sống hiện nay, kiến trúc Việt Nam phải kế thừa truyền thống Việt Nam, phù hợp tầm vóc tâm hồn Việt Nam. Bắt tay vào việc biên soạn lịch sử kiến trúc là việc cần làm.